Đã kết thúc được hơn một tuần nhưng tới tận thời điểm này, những ồn ào về cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tổ chức tại Thanh Hóa vẫn chưa dừng lại với vô vàn các nghi vấn về việc có hay không việc cơ cấu giải thưởng tạo nên “bão” huy chương, vi phạm quy chế?
Ai cũng biết, để đảm bảo sự minh bạch, công bằng cuộc thi nào từ lớn đến nhỏ, bất cứ ai tự nguyện tham gia đều phải bị ràng buộc bởi những quy chế do chính ban tổ chức đưa ra. Đối với cuộc thi ở cấp quốc gia như cuộc thi nghệ thuật sân khấu mang tính toàn quốc thì vấn đề quy chế lại càng phải được xem trọng. Có lẽ cũng xác định được điều này nên cuộc thi này cũng đã 2 lần điều chỉnh lại quy chế cho phù hợp. Bản quy chế được điều chỉnh mới nhất cũng chỉ được đưa ra trước khi liên hoan diễn ra ít ngày. Riêng những quy định về số lượng các tác giả, đạo diễn... được quy định rất rõ: Nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm và tạo điều kiện cho các tác giả, đạo diễn phát huy tài năng mỗi tác giả tham gia không quá 3 vở kịch, đạo diễn tham gia sáng tạo không quá 3 vở diễn.
Thậm chí còn quyết liệt hơn nữa khi quy định cũng chỉ rõ rằng: Các đơn vị cần làm việc chặt chẽ với tác giả, đạo diễn trước khi dàn dựng tác phẩm để tránh tuyệt đối các tác giả hoặc đạo diễn đã sáng tác dàn dựng 3 vở diễn tham dự cuộc thi. Ban tổ chức, hội đồng giám khảo không chấm điểm các vở diễn của tác giả sáng tác quá 3 vở kịch, đạo diễn dựng quá 3 vở diễn nhưng mang tên người khác”.
Quy chế rõ ràng song không hiểu vì lý do gì mà đã có đến 3 trường hợp vi phạm bị phát hiện như trường hợp NSND Lê Hùng đạo diễn 4 vở diễn và đạo diễn Anh Tú đạo diễn 5 vở và đáng lưu ý nhất là trường hợp của tác giả Nguyễn Đăng Chương - người hiện vẫn đang giữ vị trí quản lý Cục Nghệ thuật biểu diễn, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi này cũng đã “phá rào” khi có 4/29 kịch bản tham dự cuộc thi lần này.
Khi báo chí râm ran về hiện tượng “phá rào” này, tác giả Nguyễn Đăng Chương cũng đã lên tiếng chính thức thừa nhận trong cuộc thi vừa qua có 4 kịch bản của mình được các đoàn dàn dựng (có kịch bản có đến 2 đoàn dựng). Tuy nhiên, tác giả giải thích rằng 3/4 vở của mình đều đã được dàn dựng từ 2- 3 năm trước đó và cho rằng việc các đoàn lựa chọn vở nào đi dự thi là quyền của họ. Riêng vở thứ 4 là “Nắng quái chiều hôm” của CLB Hội Nghệ sĩ sân khấu là chủ đích dựng để tham gia hội diễn ngay trước thềm hội diễn, tác giả đã từ chối nhận nhuận bút và cũng nói rõ với Hội đồng Giám khảo là riêng vở này không chấm cho vở mà chỉ chấm cho diễn viên mà thôi, vì không muốn vi phạm quy chế...
Trước sự việc này, một số người cũng cho rằng trong thời điểm “khủng hoảng” lực lượng sáng tác sân khấu như hiện nay thì việc quanh đi, quẩn lại với một vài tác giả kịch bản hay hiện tượng bao sân của những tên tuổi quen thuộc như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng… cũng là điều dễ thông cảm. Song cũng như bất cứ một cuộc thi nào, luật chơi đã đưa ra và mọi người đều phải tuân thủ.
Nhiều năm qua, những người tâm huyết với sân khấu vẫn không nén được tiếng thở dài bởi chất lượng của các vở diễn ngày càng đi xuống. Cùng với sự canh tranh khốc liệt của truyền hình, điện ảnh, khán giả nhiều người đã không còn cảm thấy được sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Vì thế, ai cũng ngầm hiểu rằng mỗi kỳ cuộc liên hoan, hội diễn… được tổ chức chính là giải pháp nhằm khích lệ, động viên và duy trì sức sống của sân khấu với mong muốn mong manh một ngày nào đó sân khấu sẽ tiếp tục đỏ đèn với những hàng ghế ngập tràn khán giả. Song chúng ta có thể mong chờ gì từ những cuộc thi, liên hoan khi chính chúng đang diễn ra như một vở kịch lớn với những tình huống, lớp lang và cả những cái kết có hậu được quy đổi bằng rất nhiều huy chương vàng, bạc, bằng khen...
Đối với cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, trắng đen đã rõ ràng, mọi lời giải thích chỉ là ngụy biện song liệu cơ quan chức năng có thể lên tiếng để tìm lại sự trong sáng, minh bạch cho một sân chơi nghệ thuật hay lại dĩ hòa vi quý”.
THY AN