Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) không đơn giản chỉ là việc các cán bộ thi hành pháp luật về xử lý VPHC ra quyết định xử phạt và người bị xử phạt chấp hành, mà phải tuân theo các quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các văn bản quy định về xử lý VPHC chuyên ngành trong từng lĩnh vực.

Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) không đơn giản chỉ là việc các cán bộ thi hành pháp luật về xử lý VPHC ra quyết định xử phạt và người bị xử phạt chấp hành, mà phải tuân theo các quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các văn bản quy định về xử lý VPHC chuyên ngành trong từng lĩnh vực.

Về nguyên tắc xử phạt VPHC, điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC quy định: “Một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi VPHC thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi VPHC đó. Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Chẳng hạn, cá nhân tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy nhưng không có còi và gương chiếu hậu bên trái, ngoài ra còn chạy sai làn đường quy định. Cá nhân này bị cảnh sát giao thông phát hiện và ra quyết định xử phạt về 2 hành vi vi phạm: điều khiển xe chạy sai làn đường quy định và xe không có còi, gương chiếu hậu bên trái. Sau đó, cá nhân này tiếp tục lưu thông và lại chạy sai làn đường quy định. Lần này, cảnh sát giao thông chỉ được xử lý đối với hành vi điều khiển xe chạy sai làn đường quy định vì hành vi này được thực hiện lại, còn vi phạm xe không có còi và gương chiếu hậu bên trái thì không bị xử lý nữa vì đã bị xử lý một lần rồi.

Không phải lúc nào có hành vi VPHC đều bị xử phạt. Đối những trường hợp VPHC thực hiện trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng thì không bị xử phạt VPHC, theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý VPHC. Ở đây, pháp luật quan tâm đến việc người có hành vi vi phạm không có chủ đích thực hiện hành vi VPHC, nhưng rơi vào hoàn cảnh buộc phải thực hiện hành vi đó nên sẽ không bị xử phạt VPHC. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hoàn cảnh hoặc sự kiện đó phải tác động trực tiếp và khiến cho người có hành vi vi phạm không thể nào làm khác được. Ngoài ra, những người thực hiện hành vi VPHC không có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc chưa đủ tuổi bị xử phạt VPHC (dưới 14 tuổi hoặc từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng vi phạm không do lỗi cố ý) thì cũng không bị xử phạt.

Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý VPHC quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC, nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt VPHC khác, hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt VPHC”. Tinh thần của quy định này cũng tương tự như quy định về xóa án tích trong pháp luật về hình sự. Quy định này là một trong những quy định hết sức quan trọng. Trước hết, quy định này có ảnh hưởng đến việc xem xét tình tiết tăng nặng là VPHC nhiều lần. Nếu cá nhân VPHC đã được coi là chưa bị xử phạt VPHC thì sẽ không bị xem là vi phạm nhiều lần cho cùng hành vi đó. Ngoài ra, quy định này cũng ảnh hưởng đến việc định tội hình sự đối với một số tội có cấu thành là đã bị xử phạt VPHC như tội kinh doanh trái phép, tội sản xuất, buôn bán hàng giả…

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục