Do đó, việc khai thác không gian dọc sông Sài Gòn cần được nghiên cứu toàn diện để đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và đô thị bền vững.
Thiếu đồng bộ
Liên quan đến Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt Công ty IPC) kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho việc nghiên cứu lập đồ án quy hoạch dọc theo sông Sài Gòn (đoạn từ huyện Nhà Bè đến huyện Củ Chi) theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế cảnh quan sông nước đô thị, hình thành trục cảnh quan kết hợp giao thông thủy - bộ, du lịch đường sông kết hợp với hệ thống ngăn đê triều, lũ, triển khai 2 bên bờ sông Sài Gòn; thời gian qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM đã phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch dọc tuyến sông Sài Gòn trên địa bàn TP để cập nhật các thông tin về quản lý phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đến không gian sông Sài Gòn báo cáo với UBND TPHCM.
Theo Sở QH-KT, diện tích quy hoạch cây xanh, hành lang bảo vệ bờ sông (bao gồm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật) khoảng 431ha thuộc khu vực trung tâm TP. Trên toàn tuyến sông Sài Gòn có khoảng 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí với tổng diện tích gần 455ha.
Hiện khu vực này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 50 đồ án; trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ và hành lang bảo vệ bờ sông từ 30 - 50m theo quy định hiện hành. UBND các quận huyện đang phối hợp với Sở QH-KT tiếp tục hoàn thiện bổ sung nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch phân khu nhằm quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan bờ sông.
Theo Sở QH-KT, tính định hướng, kết nối và khai thác cảnh quan không gian 2 bên bờ sông thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chưa đặt dòng sông là trung tâm nghiên cứu phương án tổ chức không gian cảnh quan 2 bên bờ sông. Bên cạnh đó, một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trong nhiều giai đoạn theo các căn cứ pháp lý khác nhau nên thiếu đồng bộ, chất lượng một số đồ án quy hoạch 1/500 còn hạn chế, chưa có các giải pháp khai thác giá trị cảnh quan ven sông để phục vụ các công trình công cộng, như thiếu lối tiếp cận công cộng đến công viên hành lang bờ sông.
Thời gian qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu lập các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư xây dựng phát triển ngành, lĩnh vực trên không gian dọc dông Sài Gòn, như: quy hoạch tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn; hệ thống đê ngăn triều, lũ triển khai 2 bên bờ sông Sài Gòn; tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy… Tuy nhiên, các nghiên cứu, kế hoạch vẫn còn thiếu đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực. Dự án đê bao chống ngập chưa chú trọng đến quy hoạch giao thông, tổ chức không gian cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái. Vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân (làm công trình phụ trong công trình nhà tư nhân), xây dựng bến neo đậu cano, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu
Sở QH-KT TPHCM cho biết, không gian dọc sông Sài Gòn có tiềm năng lớn về du lịch. Dọc tuyến sông từ huyện Củ chi đến huyện Nhà Bè có địa hình biến đổi từ vùng đất cao xuống vùng trũng thấp, từ môi trường nước ngọt đến vùng nước lợ, từ cảnh quan thiên nhiên vùng ven đến trung tâm đô thị sầm uất; đồng thời, dòng sông còn chảy qua nhiều địa điểm văn hóa, tôn giáo hấp dẫn của TPHCM. Trên các trục giao thông trọng điểm xuất hiện các nhu cầu mới về cảng thủy, kho vận, lưu thông hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ (gọi chung là logistics).
Bên cạnh đó, các ngành thương mại - dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn khi kết nối không gian cảnh quan dọc sông Sài Gòn với quy hoạch không gian ngầm đô thị, nối liền bờ sông với phố đi bộ. Quá trình chuyển đổi chức năng các khu bến cảng, kho tàng cũ thành khu đô thị mới, nối kết với mạng lưới giao thông công cộng, hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ gắn với nhà ga metro. Tuy nhiên, TPHCM cũng đang đối mặt với các thách thức về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, sụt lún đất… kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa nắng thất thường, xâm nhập mặn… khiến các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường đô thị càng diễn biến phức tạp. Do đó, việc khai thác không gian dọc sông Sài Gòn cần nghiên cứu toàn diện để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển đô thị bền vững.
Hiện không gian dọc bờ sông Sài Gòn được nhiều nhà đầu tư quan tâm như xây dựng khu dân cư, dự án giao thông, phát triển du lịch… với nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tạo nguồn lực thực hiện. Quỹ đất thuộc hành lang bờ sông nếu có phương án tổ chức không gia và sử dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng khu vực, không nhất thiết chỉ sử dụng làm cây xanh, đường giao thông như quy định hiện nay; cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất hành lang bờ sông sang các chức năng khác như dịch vụ, thương mại phục vụ du lịch sẽ tạo nguồn lực đáng kể để tổ chức thực hiện quy hoạch và khai thác có hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông Sài Gòn.
Trên cơ sở đánh giá ban đầu về hiện trạng, thực tiễn quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và tiềm năng, lợi thế của cảnh quan, môi trường dọc sông Sài Gòn như trên, Sở QH-KT kiến nghị UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với các tỉnh đầu nguồn sông Sài Gòn như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương xây dựng quy định về quản lý, khai thác sông Sài Gòn nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan dòng sông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến lấn chiếm hành lang bờ sông. Đối với khu vực thuộc phạm vi các dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng theo quy hoạch hành lang bờ sông đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch, chương trình chống ngập và UBND các quận huyện trong quá trình xem xét có ý kiến về các chương trình, đề án, dự án có tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sông Sài Gòn.
Để khai thác và bảo vệ môi trường cảnh quan ven sông, Sở QH-KT cũng kiến nghị UBND TP giao cho Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các sở ngành liên quan tổ chức, lập Đề án “Nghiên cứu giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông Sài Gòn” nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Nội dung đề án cần rà soát hiện trạng sử dụng đất 2 bên bờ sông, xác định những khu vực đất đang do Nhà nước quản lý, đất do dân đang sử dụng để lên phương án khai thác hợp lý. Tích hợp đầy đủ định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm đề xuất các giải pháp toàn diện trong khai thác và bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan dọc sông Sài Gòn. Đề xuất các chính sách phù hợp, thu hút các nguồn lực đầu tư tham gia để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc tổ chức, tạo lập không gian cảnh quan bờ sông đảm bảo mỹ quan, hiệu quả và bền vững.
Sở QH-KT TPHCM còn kiến nghị rà soát, đánh giá tổng thể khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt dọc 2 bờ sông, từ huyện Củ Chi đến quận 7, cần tập trung vào các mối quan hệ kết nối giao thông, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất 2 bên bờ sông với đặc thù về cảnh quan, môi trường tự nhiên của dòng sông. Làm rõ điểm nổi bật về vị trí, cảnh quan và sử dụng đất của từng khu vực, như khu vực huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 12 ở phía Bắc (đoạn 1); khu vực quận Bình Thạnh, quận 1, 2, 4 ở trung tâm TP (đoạn 2) và khu vực quận 7 ở phía Nam (đoạn 3). |