Quyền được sửa chữa

Người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ có quyền yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải sửa chữa sản phẩm theo quy định được Nghị viện châu Âu (EP) và các chính phủ thành viên EU thống nhất ngày 1-2 vừa qua.

Theo đó, trong 2 năm bảo hành, người tiêu dùng có thể lựa chọn phương án sửa chữa hoặc thay mới nếu sản phẩm bị lỗi kỹ thuật. Nhà sản xuất sẽ phải sửa chữa sản phẩm miễn phí trong thời gian bảo hành nếu sản phẩm đó vẫn sửa được và chi phí sửa chữa thấp hơn chi phí thay thế thiết bị. Quy định cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị với giá cả phải chăng trong vòng 5-10 năm từ thời điểm bán ra.

Quy định trên sẽ có hiệu lực trong năm nay, áp dụng đối với nhiều sản phẩm thiết bị điện tử, như điện thoại di động, máy tính bảng, máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, màn hình điện tử, máy hút bụi, thiết bị lưu trữ dữ liệu... EU có kế hoạch bổ sung pin xe đạp điện vào danh mục này. Quy định cũng yêu cầu các quốc gia thành viên EU thực hiện ít nhất một biện pháp thúc đẩy việc sửa chữa, như tặng voucher sửa chữa, thành lập quỹ sửa chữa hoặc hỗ trợ cho các sáng kiến sửa chữa của địa phương…

Theo ước tính, số lượng sản phẩm như máy rửa bát, tivi hay điện thoại di động bị vứt bỏ dù vẫn sử dụng được tại các nước trong EU dẫn tới lượng rác thải công nghệ lên tới 35 triệu tấn/năm. Trong khi đó, chi phí cho việc mua mới các thiết bị thay thế tốn hơn 13 tỷ USD/năm. Vì lẽ đó, các nhóm vận động bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường lâu nay đã thúc giục EU thắt chặt quy định nhằm đảm bảo các công ty đưa ra các lựa chọn dễ dàng hơn trong việc sửa chữa sản phẩm của công ty.

Với việc tìm được tiếng nói chung trong quy định về quyền được sửa chữa, EU đã cho thấy những nỗ lực của khối nhằm “sửa chữa” những tác động tiêu cực do con người gây ra. EU hy vọng quy định mới không chỉ giúp giảm số lượng sản phẩm công nghệ bị vứt bỏ để bảo vệ môi trường, mà còn giúp tạo việc làm và giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục