Quyết “chặn” MERS-CoV

* Địa bàn nào có ca dịch lây lan, xử lý lãnh đạo địa phương
Quyết “chặn” MERS-CoV

* Địa bàn nào có ca dịch lây lan, xử lý lãnh đạo địa phương

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) khi đã có 27 nước có ca bệnh, ngày 19-6, Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống tại TPHCM và làm việc với Thường trực UBND TP. Hiện TPHCM là địa phương có nguy cơ cao dịch MERS-CoV xâm nhập do lượng lớn du khách, chuyên gia từ các nước có dịch, đặc biệt Hàn Quốc, đến giao thương, lưu trú. Tuy nhiên, hiện nhiều quận huyện, sở ngành của TPHCM vẫn còn lơ là phòng ngừa.

Quyết “chặn” MERS-CoV ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại TPHCM.

Không để lây lan

Là một trong những bệnh viện (BV) được Bộ Y tế chỉ đạo là đơn vị thu dung, điều trị tuyến cuối dịch MERS-CoV tại phía Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo từ một tháng qua cũng như đã lên kế hoạch chi tiết cho các tình huống. Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện, cho biết, bệnh viện có 550 giường nhưng cần thiết có thể tăng thêm 600 giường. Riêng khu cách ly dịch MERS-CoV có 50 giường và một phòng áp lực âm. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn giám sát, khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho y bác sĩ bệnh viện, cho các bệnh viện đa khoa có khoa Nhiễm, các bệnh viện quận huyện và cả các bệnh viện tư nhân.

Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi nếu có mắc MERS-CoV, TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, đã thành lập 3 đội cơ động, huấn luyện 100% cán bộ bác sĩ về quy trình khám sàng lọc, chẩn đoán, chống nhiễm khuẩn… “Bệnh viện có 100 máy thở, 100 giường cho khoa nhiễm, có phòng áp lực âm, lọc máu liên tục nên cơ bản đáp ứng công tác thu dung, điều trị nếu có ca bệnh MERS-CoV”, TS Hùng nói.

Đi trước công tác thu dung, điều trị là công tác y tế dự phòng, kiểm dịch y tế quốc tế và truyền thông. Đây là 3 “khâu” được Bộ Y tế xác định quan trọng hàng đầu để không “lọt” ca bệnh xâm nhập. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, mọi công tác dự phòng đang ở trạng thái sẵn sàng cho dịch MERS-CoV và khi cần “bấm nút” là chạy.

Còn theo BS Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, trung tâm đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu của TPHCM, trong đó chú trọng ở cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện công tác giám sát chủ yếu vẫn bằng đo thân nhiệt từ xa 24/24 giờ, tiến hành khai báo y tế đối với hành khách có các yếu tố dịch tễ như đi về từ các vùng có dịch, sốt cao trên 380C… Theo BS Nguyễn Văn Sáu, hiện mỗi ngày có 3 chuyến bay từ các nước Trung Đông với khoảng 550 hành khách và 7 chuyến từ Hàn Quốc với khoảng 1.200 hành khách đến Việt Nam.

50% ca dịch đã đến y tế tư nhân

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đã triển khai các văn bản chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị y tế trực thuộc cũng như phối hợp với các sở, ngành khác để phòng ngừa MERS-CoV: “Ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản cho phòng chống MERS-CoV và Ban Chỉ đạo chống dịch Sở Y tế luôn thường trực 24/24”. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, về trang thiết bị, cơ sở vật chất đã cơ bản đủ để ứng phó dịch, kinh phí đã được duyệt 20 tỷ đồng nhưng nếu thiếu sẽ đề xuất thêm và sắp tới tập trung tập huấn nhân sự trong giám sát, chẩn đoán, sàng lọc.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các bệnh viện phải xây dựng quy trình tiếp đón khám, sàng lọc bệnh nhân hô hấp chứ không để bệnh nhân đi lung tung để đến khi phát bệnh thì đã lây lan. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng khuyến cáo khó tránh khỏi MERS-CoV xâm nhập nước ta, nhất là qua khách du lịch. Do đó, PGS-TS Trần Đắc Phu đề nghị ngoài giám sát cửa khẩu, bệnh viện thì giám sát cộng đồng rất quan trọng, đặc biệt tại các khách sạn, KCN-KCX, khu dân cư tập trung đông người Hàn Quốc, Trung Đông… Điều đáng ngại hơn, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, thì hầu hết các ca bệnh nghi ngờ hay xác định đều đã đi khám ở các cơ sở y tế tư nhân trước khi nhập bệnh viện công. Do đó, không chỉ tập trung tập huấn, tuyên truyền cho y tế công mà ngay cả y tế tư nhân cũng phải vào cuộc!

Với những nguy cơ của dịch MERS-CoV, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang, yêu cầu Sở Y tế phối hợp các sở ngành liên quan giám sát ngay những khu vực có đông du khách, người dân Hàn Quốc cư trú như các quận 1, 2, 7, huyện Nhà Bè. “Phải tuyên truyền đến từng khách sạn để biết mà phòng ngừa, giám sát. Nếu địa bàn nào để xảy ra ca bệnh, lây lan thì chủ tịch quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước”, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.

Ông Tất Thành Cang cũng giao Sở Thông tin-Truyền Thông, Sở Du lịch, Công an TP có phương án tuyên truyền, giám sát chính xác, tránh hoang mang… Trên tinh thần quyết không để dịch xâm nhập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế, thiết lập các ban chỉ đạo, đội cơ động tập huấn nghiêm túc. Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu nỗ lực không cho dịch bệnh xâm nhập và nếu có xâm nhập thì không cho lây lan. Do đó, phải có 3 phương án chống lây lan ở các cửa khẩu, ở cơ sở y tế và ở cộng đồng. Trong đó, tránh lây nhiễm trong các cơ quan y tế là hàng đầu.

 Nhiều sở, ngành… lơ là

Trong khi ngành y tế đang quyết liệt ngăn không cho MERS-CoV xâm nhập thì chính quyền một số địa phương quận huyện, sở ngành vẫn… đủng đỉnh. Được Thường trực UBND TP triệu tập chiều 19-6, nhưng lãnh đạo nhiều sở ngành như Du lịch, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo không tham dự, hoặc chỉ cử chuyên viên không có chức năng, chuyên môn đi thay. Tương tự, một số quận huyện cũng chỉ giao y tế dự phòng đi họp. Phó chủ tịch  UBND TP Tất Thành Cang phê bình: Nhiều sở ngành, chính quyền quận huyện gần như “khoán” cho ngành y tế là không được.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục