Sáng nay 10-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 16.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên họp cuối của UBTVQH để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong 3 ngày làm việc, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét cho ý kiến và quyết định 3 nhóm vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ hai, cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét kết hợp với việc xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.
Thứ ba, một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp UBTVQH thường kỳ của tháng 9-2022 đến nay. Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này. Về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 54 này đến hết năm sau.
Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của UBTVQH.
Đáng lưu ý, đối với báo cáo tổng kết nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54, nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp. Vì vậy, tương tự như đối với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023.
“Từ nay đến đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54 và khi đó nghị quyết này hết hiệu lực. Nhanh chậm thế nào tùy thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của TPHCM và các cơ quan của Chính phủ. Đây là giải pháp xử lý tình huống. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ đánh giá tổng kết và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.