Ra mắt bộ tranh ký họa trong khu cách ly từng gây sốt mạng xã hội

Trong những ngày cả đất nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, bên cạnh những lo lắng, sợ hãi vẫn có những câu chuyện, nghĩa cử ấm áp. Câu chuyện của Tăng Quang với những bức tranh sinh động và chân thực phản ánh cuộc sống trong thời gian cách ly là một trong số đó. Những ký họa này vừa được NXB Phụ nữ thực hiện thành bộ sách tranh Con đã trở về.

Tăng Quang tên đầy đủ là Nguyễn Tăng Quang, du học sinh từ Anh về Việt Nam và bắt đầu thực hiện cách ly từ ngày 17-3 đến 1-4-2020 tại Trường quân sự Quân khu 7, TPHCM. Trong thời gian rảnh rỗi ở khu cách ly, bằng nét vẽ của mình, anh Quang đã phác họa lại cuộc sống sinh động trong này. Chỉ sau vài ngày đăng tải trên Facebook cá nhân, bộ tranh ký họa gồm 16 bức nhận được gần 50.000 lượt tương tác trên mạng xã hội. 

"Con đã về nhà" gần như là cuốn nhật ký bằng tranh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong thời gian ở khu cách ly của du học sinh Nguyễn Tăng Quang và những người khác.

Trong thời gian qua, rất nhiều hình ảnh được chụp lại, rất nhiều bức vẽ minh họa cũng như nhiều lá thư chia sẻ từ khu cách ly được gửi đến đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ và tình nguyện viên đã là sự khích lệ to lớn để họ quên đi những mệt mỏi, quên đi những trăn trở và nhớ mong gia đình để tập trung chữa và điều trị, theo dõi sức khỏe cho mọi người.

Đồng thời những bức tranh, hình ảnh và tình cảm của những người trong khu cách ly cũng là tiếng nói Cảm ơn mà tất cả toàn xã hội đang muốn lan tỏa khích lệ tinh thần đội ngũ y bác sĩ và chiến sĩ, tình nguyện viên. Và nó truyền đi thông điệp tích cực, trong khó khăn, chúng ta đã đoàn kết và động viên, khích kệ nhau để cùng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Với tinh thần đó, NXB Phụ nữ đã tổ chức xuất bản bộ tranh Con đã về nhà của Nguyễn Tăng Quang. Ngoài các tranh đã được đăng trên mạng xã hội và thu hút hơn 40.000 lượt like và thích, Nguyễn Tăng Quang còn lựa chọn vẽ thêm một số khoảnh khắc gây xúc động mạnh trên mạng xã hội có sức lan tỏa và động viên to lớn làm nên sức mạnh Việt Nam đẩy lùi dịch Covid-19.

Cuốn sách cũng lựa chọn một số bài viết chia sẻ của du học sinh trở về Việt Nam từ nước ngoài khi dịch Covid-19 bùng phát. Những hình ảnh và chia sẻ của các bạn chúng ta có thể gặp đâu đó ở tất cả các khu cách ly ở Việt Nam. Những hình ảnh đó đã được lan tỏa và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và cộng hưởng sự lạc quan tích cực, tin tưởng vào sự đồng sức, đồng lòng của toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19.

Con đã về nhà ghi lại bằng hình ảnh của những người con xa đất nước đang học tập, sinh sống ở nước ngoài. Khi dịch Covid bùng phát, những con người ấy đã đứng trước băn khoăn: Ở lại hay trở về? Tự phòng dịch hay là tin tưởng hoàn toàn vào sự chỉ đạo của chính phủ? Và sau những băn khoăn đó họ đã trở về, gác việc riêng, tự giác nghiêm túc thực hiện cách ly. Để rồi, sau 14 ngày cách ly, họ nhận ra: “Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “gia đình”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện” (Tăng Quang).

Một phần doanh thu từ việc bán sách sẽ được góp vào Quỹ Hỗ trợ phụ nữ yếu thế chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. 

Theo đại diện của NXB Phụ nữ, sở dĩ đơn vị này quyết định thực hiện ấn bản này vì đây là đề tài có thể thu hút sự quan tâm của độc giả, nội dung giàu tính nhân văn. Tranh vẽ đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, không chỉ phản ánh cuộc sống, sinh hoạt trong khu cách ly mà còn cho thấy giá trị của “tình người” trong biến cố, về cách lựa chọn thái độ sống, về cách thích nghi với hoàn cảnh, về sự lạc quan, yêu đời, về tình yêu cuộc sống, về sự biết ơn…

Trên tất cả, đây là Bộ tranh chân thực ghi lại "dấu ấn" về một "lát cắt" lịch sử. Bộ tranh cũng ghi nhận sự đóng góp tận tuỵ, quả cảm của các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, sự hy sinh không quản khó khăn vất vả của của bộ đội, công an, của rất nhiều những người làm nhiệm vụ "vô danh" khác...

Sách được thực hiện theo phương thức song ngữ, dự kiến phát hành vào cuối tháng 5-2020. Đặc biệt, doanh thu từ tiền bán sách sẽ được NXB Phụ nữ trích một phần góp vào Quỹ Hỗ trợ phụ nữ yếu thế chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, do Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đề xuất.

Tin cùng chuyên mục