Rà soát, đánh giá việc chăm sóc trẻ tự kỷ ở TPHCM

Ngày 4-3, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đến thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, huyện Củ Chi, TPHCM.

(SGGP).- Ngày 4-3, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đến thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, huyện Củ Chi, TPHCM.

Cùng đi có đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM thăm hỏi trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí

Trung tâm Khai Trí là đơn vị ngoài công lập, đang nuôi dạy và chữa trị cho 71 trẻ bệnh tự kỷ theo các hình thức nội trú, bán trú, can thiệp giờ. Khác với các cơ sở công lập chỉ nhận trẻ tự kỷ dưới 10 tuổi, Trung tâm Khai Trí nhận cả người tự kỷ đến 30 tuổi. Bà Võ Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Khai Trí cho biết, trung tâm mới thành lập được 2 năm nhưng thời gian qua, tất cả học sinh đều tiến bộ. Trung tâm không thuê bảo mẫu và người phục vụ, các hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ đều do chính giáo viên có chuyên môn thực hiện và chính các em tự kỷ tự chăm sóc bản thân. Do khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ rất hạn chế nên trung tâm đang áp dụng phương pháp động vật trị liệu, nông nghiệp trị liệu - trẻ tự kỷ chăm sóc cây trồng vật nuôi - nhằm tăng khả năng phối hợp giữa não bộ và các giác quan của trẻ. Các gia đình có con em tự kỷ đến liên hệ, trung tâm đều tập huấn 10 ngày giúp phụ huynh nắm bắt các phương pháp chăm sóc, hỗ trợ trẻ. Đặc biệt, trung tâm đã mua bản quyền, dịch sang tiếng Việt tác phẩm Sổ tay tự kỷ của bác sĩ. Đến nay, tác phẩm được in, phát miễn phí hơn 28.000 bản tới các bác sĩ, chuyên gia trị liệu, giáo viên và các phụ huynh, giúp nhận biết rõ hơn hội chứng tự kỷ, chẩn đoán và can thiệp sớm.

Theo bà Võ Thị Thùy, có nhiều trẻ tự kỷ vị thành niên, cơ thể phát triển như người trưởng thành nhưng bộ não chỉ như trẻ 2-3 tuổi. Vì thế, rất cần TP quan tâm nghiên cứu chuyên môn với người tự kỷ về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và giáo dục giới tính. Trước tình trạng môi trường bị nhiễm độc và cha mẹ làm việc nhiều, bị căng thẳng khiến nguy cơ trẻ mắc chứng tự kỷ gia tăng, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đề nghị TP quan tâm giải quyết sớm vấn đề trẻ tự kỷ, nếu không trẻ sẽ rơi vào nguy cơ khuyết tật suốt đời, là một vấn nạn sau này của xã hội.

Dành hơn 2 giờ thăm trẻ tự kỷ và lắng nghe phương pháp nuôi dạy, chữa trị của trung tâm, đồng chí Tất Thành Cang khen ngợi các thầy cô giáo đã chăm lo, giáo dục trẻ tự kỷ với tất cả lòng yêu thương như cha mẹ. Theo đồng chí Tất Thành Cang, giá trị cao nhất mà trung tâm mang lại là nhân cách, nhận thức và kỹ năng hòa nhập cộng đồng của trẻ. Đồng chí Tất Thành Cang yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng các sở, ngành khảo sát, đánh giá toàn bộ thực trạng trẻ tự kỷ, chăm sóc trẻ tự kỷ ở các trường chuyên biệt tại TPHCM. Từ đó, tham mưu các cơ chế chính sách về điều kiện đầu tư, vốn, hồ sơ thủ tục, hành chính… giúp các cơ sở nuôi dạy và chữa trị trẻ tự kỷ hoạt động thuận lợi.

Dịp này, đồng chí Tất Thành Cang tặng Trung tâm Khai Trí phần quà trị giá 50 triệu đồng.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục