Ra tấm ra miếng

- Ở miền Tây, trên những cánh đồng lúa thuộc vùng nguyên liệu của một doanh nghiệp lớn sản xuất gạo, người ta bắt đầu thử nghiệm dùng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc trừ sâu. Những tính toán ban đầu cho thấy phương thức này giúp tiết kiệm nhân công, chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.

- Nhưng xài drone thì ngoài hiểu biết về công nghệ, còn là tiền đầu tư mắc mỏ. Nông dân trần lấy đâu ra tiền để mua?

- Tất nhiên là người làm ăn nhỏ lẻ không thể đua theo cách này. Phải có diện tích canh tác lớn, quy trình đồng bộ mới đủ sức đầu tư dài hạn. Từ thực tế của hiệu quả, những năm qua nhiều nông dân đã góp đất làm chung với doanh nghiệp. Có căn cơ mới tránh được điệp khúc xót ruột “được mùa mất giá, được giá mất mùa” rề rề bao nhiêu năm.

- Thiệt tình là nếu không làm theo đặt hàng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì rất dễ bấp bênh. Mà không chỉ cây lúa, nông sản nào cũng phải canh tác, thu hoạch, tiêu thụ có lớp lang thì người nông dân mới ấm bụng. Gì chớ lâu lâu phải kêu gọi “giải cứu” cho khoai lang, dưa hấu, chuối, thanh long… là thấy ớn. Đổ mồ hôi sôi nước mắt mà đến khi thu hoạch còn lên bờ xuống ruộng.

- Chuyện lớn nữa đang rập rình đe dọa là biến đổi khí hậu, nước dâng mất đất canh tác. Để vững chân, làm nông ngày càng phải ra tấm ra miếng.

Tin cùng chuyên mục