Rác tờ rơi quảng cáo vẫn tràn lan

Muốn quảng bá sản phẩm của mình tới khách hàng mà ít tốn kém chi phí quảng cáo, nhiều công ty cho nhân viên đi phát tờ rơi tại các giao lộ. Thực tế nhiều người đi đường nhận tờ rơi, liếc qua rồi vứt ngay xuống đường, khiến rác tờ rơi vẫn tràn lan ở các giao lộ.

Chuyện dài không dứt

Cư dân đô thị ở TPHCM nhiều năm qua quá quen với chuyện khi cả đoàn xe máy dừng chờ đèn đỏ tại các giao lộ thì có người phát tờ rơi cầm xấp giấy lao ra, dúi vào tay từng người.

Tại ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Bình), ngã tư Thủ Đức (Xa lộ Hà Nội, thuộc địa bàn quận 9 và Thủ Đức)… vào đầu giờ sáng hoặc lúc chiều tan tầm, nhóm tiếp thị 2 - 3 người lại xuất hiện tại các chiều đường tại nút giao thông.

Rác tờ rơi quảng cáo vẫn tràn lan ảnh 1 Phát tờ rơi quảng cáo tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM)
Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, dòng ô tô, xe máy dừng lại chờ, là họ túa ra, len lỏi giữa dòng xe cộ để phát tờ rơi quảng cáo. Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu xanh, họ rút lên lề đường.

Hiện nay, các đơn vị môi giới nhà đất, trung tâm gia sư, thẩm mỹ viện, phòng khám tư nhân, siêu thị hay tiệm ăn nhanh ở TPHCM đều sử dụng dịch vụ phát tờ rơi để quảng cáo. Hiệu quả quảng cáo chưa thấy đâu, nhưng chuyện rác tờ rơi đầy đường thì thấy ngay, vừa gây mất vẻ mỹ quan đô thị, tốn công tốn sức của các công nhân quét đường; đồng thời cũng gây ra những vụ va quẹt giao thông, rồi xảy ra cự cãi, làm mất an ninh trật tự đường phố.

Chị Thanh Tâm (ở phường 1, quận Gò Vấp) thường đi làm bằng xe máy, hàng ngày chứng kiến cảnh phát tờ rơi ở các giao lộ, bức xúc: “Tôi có ấn tượng xấu đối với hình thức phát tờ rơi quảng cáo ngay các chốt đèn giao thông. Có khi đang chạy xe trên đường cũng đột ngột có người băng ra dúi vào tay tờ rơi quảng cáo. Người đi đường miễn cưỡng nhận, sau đó lại vứt ngay. Thế là tờ rơi quảng cáo vãi dưới mặt đường thật nhếch nhác. Khi mưa, giấy dán chặt xuống đường, rất khổ cho công nhân quét đường. Đây là hình thức quảng cáo rất phản cảm, vậy mà không thấy xử lý, thành chuyện dài không dứt”.

Không khó để dẹp nếu quyết tâm

Không chỉ tờ rơi quảng cáo xả tràn lan ở các giao lộ, tại các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Lê Quang Định (quận Bình Thạnh)… tờ rơi còn được dán đầy trên các cột điện, gốc cây ven đường, quảng cáo tuyển dụng, bán đất, cho vay, khoan cắt bê tông, dịch vụ chuyển nhà...

Toàn bộ các trụ cầu vượt trên tuyến đường kiểu mẫu Phạm Văn Đồng đã trở thành điểm dán tờ rơi quảng cáo tùy tiện, hỗn tạp; từ việc cho vay, bán đất, dạy kèm, đến cầm cố tài sản. Con đường được xây dựng hiện đại, khang trang, nay trở nên nhếch nhác. Đi dọc vỉa hè ở khắp các quận - huyện sẽ thấy nhiều bức tường đều bị dán lên nhan nhản tờ rơi quảng cáo. Một số phường đã dựng những bảng tin bố trí riêng cho mục đích dán tờ rơi, nhưng cũng không ngăn được nạn phát tờ rơi ở các giao lộ và dán tờ rơi khắp nơi.

Theo Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ, hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (mức phạt trước đây là từ 1 đến 2 triệu đồng).

Hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Nghị định cũng đưa ra mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Quy định rõ ràng như vậy nhưng những năm qua, hiếm có cơ quan chức năng nào xử phạt, nên những hành vi vi phạm cứ thế liên tục tiếp diễn.

Để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng của TPHCM cần xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, cần phân công tổ chức và nhân sự phụ trách kiểm tra, xử lý vi phạm. Chế tài đã có, không khó để dẹp nếu quyết tâm dẹp.

Cùng với việc huy động lực lượng cảnh sát trật tự, trật tự đô thị, văn hóa thông tin tuần tra bắt quả tang để xử phạt, cũng nên truy theo số điện thoại, địa chỉ liên hệ trên tờ rơi quảng cáo để xử phạt, không bỏ sót trường hợp nào. Cũng nên áp dụng hình thức chế tài buộc phục hồi nguyên trạng đối với hành vi gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị bằng cách buộc những người vi phạm phải đi quét dọn, tháo gỡ rác tờ rơi.

Tin cùng chuyên mục