
Ngày 7 tháng 9 năm 2001, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 55/284 quyết định chọn thời gian 2001 - 2010 là thập niên “Đẩy lùi sốt rét” (Decade to Roll Back Malaria) tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi.
Như mọi người đều biết, WHO đã tung ra một chương trình thanh toán sốt rét trên qui mô toàn cầu vào năm 1956. Nhưng đến năm 1969 WHO đã phải thừa nhận là không thể thanh toán sốt rét trên quy mô toàn cầu và khuyến cáo nên chuyển sang phòng chống sốt rét với mục tiêu là giảm chết, giảm mắc do sốt rét và không để sốt rét trở thành một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng.

Điều dưỡng BV Nhiệt đới chăm sóc cho bệnh nhân bị sốt rét nặng.
Những năm sau đó, các nước tập trung nỗ lực vào việc xây dựng hệ thống dịch vụ y tế dựa trên những nguyên tắc của Chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mặc dù không có mâu thuẫn giữa Chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống sốt rét nhưng những đầu tư trong phòng chống sốt rét đã giảm đáng kể và hoạt động phòng chống sốt rét ở một số nước hầu như bị bỏ quên.
Năm 1992, Hội nghị các Bộ trưởng Y tế họp tại Amsterdam, Hà Lan đã đề xuất Chiến lược toàn cầu Phòng chống Sốt rét. Hội nghị này đã đưa ra 4 nguyên tắc cơ bản của chiến lược phòng chống sốt rét.
Đó là: (1) Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và có hiệu quả. (2) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh bền vững, có chọn lọc, kể cả các biện pháp phòng chống véc-tơ. (3) Phòng chống dịch sốt rét. (4) Thường xuyên đánh giá và giám sát tình hình sốt rét, tăng cường nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Hội nghị Amsterdam đã làm sống lại hoạt động phòng chống sốt rét trên thế giới, đặc biệt ở châu Á và Nam Mỹ.
Trong khi đó ở châu Phi, các nghiên cứu đã chứng tỏ là màn tẩm hóa chất có thể giúp làm giảm tử vong sốt rét ở trẻ em. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước châu Phi, công tác phòng chống sốt rét không được củng cố và đã có những dấu hiệu cho thấy tử vong sốt rét vẫn gia tăng.
Những khó khăn về mặt tài chính cho phòng chống sốt rét đã khiến WHO đưa ra phương cách tiếp cận mới, đó là RBM. Bản thân RBM không phải là một chiến lược mang tính mới về kỹ thuật trong phòng chống sốt rét, nhưng thực chất đây là một nỗ lực mới của hoạt động đối tác chia sẻ (partnership) nhằm mục đích làm giảm gánh nặng sốt rét thông qua các hoạt động hợp tác hướng về mục đích chung.
Các nguyên tắc chính của RBM là: Đồng thuận về các chiến lược kỹ thuật dựa trên chứng cứ; Nỗ lực làm giảm bớt gánh nặng sốt rét phải kết hợp với cải cách hệ thống y tế, cải thiện các nguồn lực cho khu vực y tế công, phi tập trung hóa, hợp tác y tế công và tư.
Mục tiêu của RBM là giảm gánh nặng sốt rét trên thế giới ít nhất 50% vào năm 2010 với các ưu tiên như sau: Tạo điều kiện để người dân thuộc đối tượng nguy cơ có được màn tẩm hóa chất và các chiến lược phòng chống véctơ thích hợp; Chẩn đoán sớm và điều trị bệnh với các thuốc sốt rét hiệu quả và an toàn; Điều trị dự phòng cho phụ nữ có thai ở những vùng sốt rét lưu hành nặng, nhất là ở phụ nữ mang thai lần đầu; Dự báo dịch tốt và kiểm soát hiệu quả dịch sốt rét.
Nếu RBM là sáng kiến đẩy lùi sốt rét toàn cầu dựa trên phần lớn thực tế của châu Phi thì các nước thuộc khu vực sông Mê Kông cũng đã thích nghi bước tiếp cận này bằng Sáng kiến Đẩy lùi sốt rét khu vực Mê Kông (The Mekong Roll Back Malaria Initiative).
Sáng kiến Mekong RBM được đề xướng trong một hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3-1999 dựa trên nhận định là các nước thuộc khu vực sông Mê Kông cùng chia sẻ những đặc điểm chung như biên giới, sốt rét vùng rừng núi, dân tộc thiểu số, di dân, kháng thuốc.
Đến với hội nghị này là đại diện của 6 nước: Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, UNDP, EC, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Các nước trong vùng đã đạt được thỏa thuận về các chiến lược kỹ thuật chủ yếu trong một hội nghị về RBM do WHO tổ chức ở Bali (Indonesia) vào tháng 5-2000. Chiến lược cốt lõi của Mekong RBM là chẩn đoán đặc hiệu sốt rét do Plasmodium falciparum ngay tại chỗ, và điều trị tức thời với phác đồ phối hợp thuốc sốt rét, chuẩn và hiệu quả.
Như đã đề cập ở trên, RBM không phải là một kỹ thuật phòng chống sốt rét mới, mà là một chiến lược đối tác chia sẻ toàn cầu nhằm giảm bớt gánh nặng sốt rét trên thế giới vào năm 2010. Đối tác của RBM hiện nay được mở rộng rất nhiều.
RBM thực chất là một bước tiếp cận mới mang tính xã hội hóa cao trong công tác phòng chống sốt rét bằng cách huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Hy vọng các nước thành viên của WHO, trong đó có Việt Nam, sẽ thành công trong việc đạt mục tiêu của Thập niên Đẩy lùi Sốt rét.
BS Thành Ý
Viện Sốt rét-KST-CT TPHCM