Thời gian qua, hàng loạt rủi ro và sai sót trong y khoa ngày càng nghiêm trọng, từ phẫu thuật cắt nhầm ruột thừa, u nang buồng trứng đến tiêm chủng vaccine khiến dư luận khá quan ngại. Điều đáng nói, hầu hết những trường hợp sau khi được hội đồng khoa học cấp bệnh viện hay cấp sở y tế kết luận đều giấu nhẹm và có chăng khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân kêu cứu, nhờ báo chí lên tiếng thì vụ việc mới được “xem xét”.
Nhắm bên này, cắt bên nọ
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc mới đây là bé T.C.Nguyện (8 tuổi, ngụ huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị buộc phải cưa chân phải do điều trị không đúng cách và chậm chuyển viện. Trước đó, bé Nguyện bị tai nạn giao thông được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, được các bác sĩ ở đây khám, chụp X-quang, kết quả cho thấy bị gãy 1/3 dưới xương đùi phải nên chỉ điều trị bình thường tại bệnh viện. 4 ngày sau, tình trạng của cháu Nguyện trở nên xấu đi, gia đình đề nghị chuyển viện lên TPHCM điều trị thì không còn kịp, chân của cháu đã bị hoại tử, phải cắt bỏ… Nhưng đó chỉ là một dẫn chứng gần đây và chưa đến mức “kinh hoàng” bằng việc cháu bé 21 tháng tuổi (ngụ huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bị cắt nhầm bàng quang mà dư luận không khỏi bức xúc cách nay chưa lâu. Thay vì được chẩn đoán bị thoát vị bẹn và chỉ định mổ nhưng cháu bé lại bị các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh cắt béng bàng quang. Vài giờ sau đó, bụng cháu bé cứ trướng dần lên, không tiểu được, tình trạng nguy kịch phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa mới cứu vãn được mạng sống…
Phẫu thuật luôn tiềm ẩn sai sót, rủi ro y khoa cao
Theo các chuyên gia y tế, rủi ro và sai sót, tai biến y khoa ngày càng phổ biến. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nhìn nhận, các rủi ro y khoa là không thể tránh khỏi đối với y học trước đây và cả ngày nay. Ông cũng cho biết đã chứng kiến những trường hợp rủi ro như cắt nhầm động mạch, mổ nhầm mắt… Mặc dù Bộ Y tế chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ tai biến, rủi ro hay sai sót trong y khoa nhưng hàng năm ước tính có tới hàng trăm trường hợp. Theo các chuyên gia y tế, lĩnh vực ngoại khoa luôn tiềm ẩn những rủi ro hơn cả. Tuy nhiên, thông thường những sự cố đều bị “ém nhẹm” thông tin và nếu như bệnh nhân, thân nhân của họ không phản ứng thì đành ngậm ngùi lãnh lấy hậu quả mà không một sự chia sẻ hay truy cứu trách nhiệm từ ngành y tế!
Cần công khai sai sót
GS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, hầu hết các sai sót, rủi ro y khoa đều không được công khai. Trích dẫn số liệu từ Hội Điều dưỡng Việt Nam qua điều tra tại 5 bệnh viện ở Hà Nội với 555 trường hợp, GS Phạm Mạnh Hùng nêu rõ, chỉ có 155 trường hợp nhân viên y tế báo cáo (27,8%), 400 trường hợp không được báo cáo (72,2%). Theo ông, có những yếu tố khách quan của sai sót y khoa như cấu tạo con người vô cùng phức tạp và đa dạng; kiến thức và kỹ thuật y học còn hạn chế; điều kiện lao động căng thẳng. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn được đề cập như thiếu cẩn thận, kiến thức bác sĩ không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm… Trong đó, yếu tố đào tạo và kinh nghiệm được GS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Bác sĩ ở các nước được đào tạo tới 10 năm, có khi 12 năm mới được hành nghề. Nếu không thay đổi đào tạo thì e rằng khó giảm được sai sót y khoa. Tuy kỹ thuật y học ngày càng hiện đại nhưng chỉ trông chờ vào máy móc thì không ổn”.
Cũng với quan điểm rủi ro, sai sót y khoa đang có phần ngày càng phổ biến, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trích dẫn thông tin trên báo chí nào là gạc phẫu thuật bỏ quên trong bụng sản phụ; chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ mổ chân phải; bệnh nhân “tố” bác sĩ cắt nhầm vòi trứng; 3 cháu bé ở Quảng Trị cùng tử vong sau tiêm vaccine… Theo bác sĩ Khoa, môi trường y tế có nguy cơ cao để tạo ra lỗi. Trong đó, những bộ phận có nguy cơ cao nhất là nơi phẫu thuật (40% - 50%); nơi áp dụng lần đầu kỹ thuật mới; nơi bệnh nhân là trẻ sơ sinh và người già; nơi cường độ lao động cao… Bác sĩ Khoa cũng nhìn nhận, sai sót, rủi ro y khoa đã được cập nhật trong các quy định ở luật, nghị định, thông tư về quản lý chất lượng bệnh viện nhưng không hẳn tất cả đều được tuân thủ. Do đó, sự cởi mở, công khai sai sót y khoa cũng là văn hóa. “Có thể việc công khai sai sót làm tổn thất tâm lý, uy tín bệnh viện, mất thời gian xử lý, chi phí kiện cáo… nhưng qua đó sẽ có cách giải quyết một cách thấu đáo nhất”, bác sĩ Khoa chia sẻ.
Mặc dù sai sót y khoa vẫn có nguy cơ cao trong các bệnh viện nhưng theo các chuyên gia y tế thì đến 50% dự phòng được. Trong đó, tình trạng quá tải bệnh viện đang là vấn đề lớn của sai sót y khoa. “Bác sĩ mổ mỗi ngày cả chục ca thì không sai sót mới lạ”, một chuyên gia y tế băn khoăn. Quá tải đang khiến thời gian khám, chữa bệnh bị rút ngắn, cộng với kiến thức y khoa không đạt yêu cầu, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện… là những yếu tố nguy cơ gây rủi ro, sai sót y khoa được đề cập.
TƯỜNG LÂM