Có hai điều nghịch lý nhưng vẫn tồn tại trên thực tế và được mọi người miễn cưỡng thừa nhận, đó là: khi mua thuốc chữa bệnh tại các tiệm thuốc tây không có ai mặc cả giá thuốc và khi bệnh chỉ cần ra tiệm thuốc tây là được “chữa bệnh” bằng cách nhân viên bán thuốc tự phán đoán bệnh tình của khách mà “kê toa”. Có nhiều cách rước họa vào thân, nhưng cách “đi tắt” không cần đến khám bác sĩ mà chạy thẳng tới nhà thuốc là cách rước họa mang phong cách… làng xã nhất!
Chị Phương Chi, chủ một tiệm thuốc tây tại Hóc Môn, TPHCM, nói rằng khách hàng giờ lười quá, ra bệnh viện phải chờ đợi, lại tốn tiền khám bệnh nên họ tới nhà thuốc để “khai bệnh” với người bán hàng và cứ thế đưa thuốc vào miệng mà không cần suy nghĩ. Họ chỉ cần biết tiết kiệm thời gian của mình mà không biết xót cho sức khỏe.
Còn bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM, đã phải thốt lên lời cảm thán: “Quá trời luôn!” khi được hỏi về số lượng bệnh nhân tự mua thuốc uống và bị dị ứng phải tới bệnh viện gấp để khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Hoàng, dị ứng đến mức tử vong thì chưa gặp nhưng các phản ứng phù nề, ngứa ngáy, khó thở thì nhiều vô cùng. Thay vì bệnh nhân đến khám một lần với căn bệnh đầu tiên của mình và được bác sĩ thăm hỏi, dặn dò kỹ lưỡng, kê toa, sau đó ra nhà thuốc mua thuốc về uống thì bệnh nhân phải chữa đủ thứ bệnh kèm theo khi bị dị ứng thuốc. Tiền phải trả gấp nhiều lần đã đành, thời gian chữa bệnh kéo dài hơn nhiều thời gian trước đây tiết kiệm ngồi chờ khám bệnh ở bệnh viện và quan trọng nhất là sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế, hầu hết tiệm thuốc tây nào, người bán hàng cũng tư vấn về bệnh rất nhiệt tình và miễn phí để bán thuốc cho khách hàng. Thậm chí có nhà thuốc còn trưng biển: “Có dược sĩ tư vấn bán thuốc!”. Nhà thuốc vi phạm đã có thanh tra y tế xử phạt, nhưng người dân hồn nhiên đồng phạm, vừa thiệt thân, mà cũng vừa tiếp tay cho những sai trái thì chẳng thể nào xử lý được.
Cách chữa bệnh truyền miệng hiện nay vẫn được dân ta áp dụng. Nghe người này, người kia uống thuốc này, thuốc kia hết bệnh, vậy là cũng ra nhà thuốc mua về uống mà không cần biết tới việc thể trạng, sức khỏe và những bệnh lý cá nhân của mình khác với những người đã từng uống loại thuốc đó. Nếu nhẹ thì bệnh không tiến triển, nếu nặng sẽ vào bệnh viện cấp cứu vì dị ứng thuốc.
Ngoài việc xử phạt các nhà thuốc có hành vi khám bệnh bán thuốc cho khách, thì việc tuyên truyền cho người dân hiểu và nâng cao nhận thức trong việc tự ý mua thuốc không qua bác sĩ khám chữa bệnh đòi hỏi thời gian dài và liên tục. Bởi không chỉ có những người ít hiểu biết mà rất nhiều người trình độ văn hóa và nhận thức cao, cũng vẫn tự nguyện rước họa vào thân. Ít có quốc gia nào mà việc đi mua tân dược và biệt dược dễ như ở nước ta.
Thay đổi một thói quen, một nếp sinh hoạt và quan trọng là thay đổi tư duy và cách suy nghĩ văn minh hơn không chỉ một sớm một chiều. Nhưng dù vậy thì cũng nên tự bảo vệ sức khỏe và mạng sống của mình!
NGUYỄN HOÀI YÊN MINH