Rượu dỏm - trận đồ bát quái

Chưa hết rượu nấu thủ công gây nên bao phen ngộ độc chết người, nay đang rộ lên rượu ngâm cây thuốc phiện, rượu ta đội lốt rượu tây không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Trong khi đó, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1-1 vừa qua vẫn còn… lúng túng.
Rượu dỏm - trận đồ bát quái

Chưa hết rượu nấu thủ công gây nên bao phen ngộ độc chết người, nay đang rộ lên rượu ngâm cây thuốc phiện, rượu ta đội lốt rượu tây không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Trong khi đó, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1-1 vừa qua vẫn còn… lúng túng.

  • Rượu “xịn” = cồn + hương liệu

Dừng xe tại một cửa hàng rượu gần vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM), chúng tôi đề nghị mua 5 lít rượu làm quà. Bà chủ giới thiệu từ rượu nếp Tiền Giang, rượu gạo Bến Tre đến rượu Gò Đen “đặc sản” Long An. Tất cả đều được đựng trong các chung lớn bằng sành hoặc thủy tinh. Thấy ngợp cả mắt. “Chú mua để ngâm thuốc thì có Gò Đen, còn mua uống thì rượu nào cũng ngon cả”, bà chủ đon đả mời. Đồng ý mua rượu Gò Đen, bà ta cho biết lấy từ lò ở huyện Bến Lức, Long An, rồi chua thêm: “Chú mua ở đây là chính hiệu Gò Đen đó, chứ nhiều chỗ chỉ có thương hiệu thôi, còn cách nấu và chất lượng rượu đã công nghiệp hết rồi”.

Theo bà chủ này, trước kia nấu rượu phải qua mấy công đoạn như nấu gạo thành cơm, phơi cho cơm nguội rồi ủ bằng men, 7 ngày sau cho vào lò chưng cất, mỗi ngày chỉ có thể nấu được 5-7 lít. Nhưng giờ nhờ men Trung Quốc nên rút ngắn nhiều công đoạn, chỉ cần 1 ngày là đã có vài chục lít rượu. Thậm chí nhiều nơi làm ăn giả dối cho nước lã hòa cồn là… thành rượu…

Ghé qua chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) hỏi mua men nấu rượu, nhiều cửa hàng cũng không đắn đo mang ra hàng bịch loại men “tuyệt hảo”. “Chủ yếu men bột, men nước từ Trung Quốc thôi, chứ mấy ai nấu rượu bây giờ làm men truyền thống nữa. Mất công lắm”, một cô bán sạp hương liệu tại chợ cho biết.

Theo một số cửa hàng bán rượu, để tạo ra hàng ngàn lít rượu phục vụ cho dân nhậu, giờ đây hầu hết các chủ lò rượu phải dùng các loại men hoặc hương liệu từ Trung Quốc để rượu “nặng đô”. “Chỉ cần hòa 100ml men nước với 20 lít nước rồi cho 10kg gạo vào 2 ngày sau mang ra nấu. Rượu uống vào cứ vô tư lắc lư”, một nhân viên bán cửa hàng rượu bật mí. Khi đến chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) hỏi mua men Trung Quốc chủ các sạp bán men ở cổng số 3 đưa ra hàng loạt loại men vo tròn như quả chôm chôm, giá 10.000 đồng/bịch 100 viên, còn men bột được đóng trong bao ni lông, ngoài ghi chi chít chữ Trung Quốc bán sỉ 500gr có giá 120.000 đồng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng bán rượu. Ảnh: Q.CHI

Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng bán rượu. Ảnh: Q.CHI

Chưa hết, để có rượu “uống vô cháy cổ”, nhiều lò nấu rượu không ngại pha cồn công nghiệp với chất tạo mùi hương nếp và chất tạo đục. Cũng tại chợ Kim Biên, hỏi mua nguyên liệu chế biến rượu, nhân viên nhiều cửa hàng không ngại đưa cho công thức: cồn + hương liệu + chất tạo đục = rượu. “Đảm bảo mùi hương nếp, mùi gạo thơm và sóng sánh màu đục đẹp mắt, chẳng khác gì rượu xịn”, một nhân viên cửa hàng giới thiệu.

Theo một số cửa hàng, dịp gần tết thường bán rất chạy các loại cồn công nghiệp, hương rượu tây, rượu ta vì nhu cầu rất cao. Theo một chủ sạp hương liệu, bà bỏ mối cho rất nhiều cơ sở chuyên sản xuất rượu tây. “Có gì khó đâu chú. Cứ đến các vựa ve chai mua vỏ rượu tây thì thiếu gì. Mua ít cồn công nghiệp, hương vị, bột màu pha vào nước lã, dán nhãn lên thì thành rượu tây gì chẳng được”, bà chủ sạp liến thoáng.

  • Ngắc ngoải... loạn thần

Tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, hầu như không lúc nào vắng bóng bệnh nhân ngộ độc rượu. Tại khu điều trị của trung tâm, anh N.M.H., cán bộ một doanh nghiệp lớn nằm mê man, xung quanh nhằng nhịt dây truyền. Bác sĩ điều trị cho biết anh H. bị ngộ độc rượu thuốc trong tình trạng tụt huyết áp, giãn mạch, dị ứng toàn thân. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng anh H. chưa cải thiện và các bác sĩ chưa thể xác định nguyên nhân ngộ độc loại rượu gì… Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tuần qua, Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai tiếp nhận 7 ca ngộ độc rượu nặng, đều nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, thậm chí biến chứng tiêu hóa.

TS Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm, cho biết nhiều người uống rượu ngâm cây, con, cỏ các loại cho là tráng dương bổ thận nhưng lạm dụng quá sẽ nguy hiểm tính mạng vì không loại trừ chứa chất bảo quản, tạp chất độc hại… Không chỉ lạm dụng rượu thuốc ngâm mà gần đây nhiều “đệ tử lưu linh” còn chuộng rượu ngâm hoa, rễ cây thuốc phiện (anh túc) khiến dẫn đến tình trạng nghiện ngập, ngộ độc cấp tính do quá liều. Th.S Trần Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết rượu ngâm rễ, thân, lá cây thuốc phiện không có tác dụng gì cho sức khỏe mà có nguy cơ bị liệt thần kinh, giảm trí nhớ.

Ở khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy TPHCM, hầu như tuần nào cũng tiếp nhận vài ba đệ tử “lưu linh” nhập viện vì ngộ độc rượu quá nặng. Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó khoa cho biết, methanol là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. “Methanol thường xuất hiện trong chế phẩm làm dung dịch tẩy rửa, làm lạnh hay sản xuất sơn. Nó cũng được điều chế bằng cách như chưng cất khí đốt từ cây gỗ hoặc than, các nguồn khí đốt khác, khí biogas, từ khí CO2 trong không khí hay khí đốt hóa thạch. Vì vậy methanol rất độc hại, dễ gây tử vong nếu uống vào” - bác sĩ Hùng cảnh báo.

Tại BV Nhân dân 115 TPHCM, mỗi tháng cũng tiếp nhận khoảng 15-20 trường hợp ngộ độc do rượu gây nên. Nhiều trường hợp hôn mê sâu, suy gan, thận và trụy tim mạch. Hàm lượng methanol và aldehyde quá cao trong rượu khiến người uống ngộ độc nặng. Kết quả xét nghiệm 9/18 mẫu rượu ở TPHCM, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) mới đây cho thấy chứa hàm lượng aldehyde vượt mức cho phép. Theo các bác sĩ BV Tâm thần TPHCM, lượng aldehyde trong rượu quá mức sẽ gây nên tình trạng rối loạn tâm thần. Thống kê cho thấy các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu chiếm 4,68% dân số, cao gần gấp đôi loại bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Trong khi đó, bàn về việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn khi Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1-1 vừa qua còn một số “kẽ hở”. Có ý kiến cho rằng bắt buộc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép, đồng thời sản phẩm rượu phải có tem nhãn xuất xứ là khó khả thi với rượu nấu thủ công ở các vùng quê.

Còn nếu sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì không bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn hàng hóa và không phải dán tem thì chẳng khác nào “vừa trói vừa mở” vì bán cho doanh nghiệp thì ít mà bán tự do ra ngoài thì nhiều… Đồng thời, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi nhưng khó có thể kiểm soát được…

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, năm 2012 cả nước ghi nhận 164 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 5.400 người mắc, trong đó 33 người tử vong. Trong đó, số ca tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 40% các ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, lạm dụng rượu bia gây ra tới 60% vụ tai nạn giao thông. Cả nước hiện có hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu nhưng chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng.

TƯỜNG LÂM - NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục