(SGGPO). - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol – Thực trạng và giải pháp” được Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức ngày 23-3 tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam nêu rõ, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu chứa methanol đang diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong. Đáng báo động khi nhiều cửa hàng, nhà hàng, quán ăn đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra mặt hàng rượu tại một quán ăn
Ông Việt cũng thẳng thắn cho rằng, các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy từ đầu năm 2017 tới nay đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp lượng methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần.
Th.S Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây số vụ ngộ độc methanol do uống rượu rất ít nhưng hiện đang tăng lên chóng mặt. Tính từ đầu năm 2017 tới ngày 22-3, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận điều trị cho 34 ca ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó có 9 ca tử vong.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu bị hôn mê được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
Đáng chú ý, phần lớn số bệnh nhân ngộ độc rượu là ở Hà Nội trong độ tuổi từ 20-60 tuổi và nguyên nhân được xác định do lạm dụng rượu, uống quá nhiều. Thậm chí nhiều ca đến bệnh viện trong tình trạng methanol trong máu ở mức 20-569/100 ml, chiếm trên 90%.
Th.S Nguyên cũng chỉ rõ ngộ độc rượu chứa methanol chủ yếu là do uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và đến bệnh viện muộn nên biến chứng nặng, tử vong. Do đó, để hạn chế những trường hợp đáng tiếc do ngộ độc rượu, trước hết các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý chất lượng rượu lưu thông trên thị trường.
Còn PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, methanol thực chất là cồn công nghiệp, là chất rất độc, với lượng nhỏ cũng đã gây mù mắt, nhiều hơn có thể tử vong. Ngộ độc methanol gây tổn thương não, tổn thương nội tạng.
Các nghiên cứu cho thấy, methanol bình thường ở ngưỡng 20 mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh, trên 40 mg/dl là ngộ độc nặng cho người dùng. Còn theo quy chuẩn, nồng độ methanol trong cồn 100 độ cho phép 300 mg/lít. Nếu pha 1 lít cồn công nghiệp thành 3 lít rượu có nồng độ 33% thì hàm lượng methanol trong rượu là 100 mg/lít rượu. "Do đó nếu sử dụng cồn công nghiệp để pha rượu sẽ rất nguy hiểm, gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người sử dụng..."- PGS. TS Thịnh chỉ rõ.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, TS Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, những vụ ngộ độc rượu chứa methanol không phải do rượu truyền thống, rượu tự nấu gây ra dù qua quá trình chưng cất có thể sinh ra một lượng methanol nhất định nhưng nó không đủ để gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc rượu và nhiều vụ tử vong do ngộ độc rượu gần đây là do việc uống phải rượu có sử dụng cồn công nghiệp methanol được pha có chủ đích trong sản xuất rượu nhằm kiếm lời bất chính.
"Thực tế, rượu không chỉ chứa methanol mà còn chứa chất andehit gây hại. Tuy nhiên qua khảo sát, nhiều nơi chỉ bán rượu trắng với giá 10.000- 12.000 đồng/lít, rẻ như nước lọc nên nếu không có pha chế thì không có mức giá như trên..."- ông Cường nhấn mạnh.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương cũng cho rằng để hạn chế các vụ ngộ độc rượu, cần phải tăng cường vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc thực thi hiệu quả các văn bản pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý mạnh mẽ đối với các cơ sở vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm rượu bia.
KHÁNH NGUYỄN