Tuyển sinh trực tuyến
18 giờ chiều 1-7, ngày đầu tiên phụ huynh trên địa bàn quận Tân Bình đăng ký thông tin trực tuyến tuyển sinh đầu cấp năm học 2019-2020 tại địa chỉ http://tanbinh.nhapdiem.vn.
Tại khu vực quản trị hệ thống, ông Phan Văn Quang, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, cùng chuyên viên Mai Minh Nghĩa liên tục click chuột rồi đối chiếu với hồ sơ giấy, dò đi xem lại từng họ tên, năm sinh, nguyện vọng của học sinh.
Đây là năm đầu tiên quận Tân Bình thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến vào các trường mầm non, tiểu học, THCS. Các trường cấp mã số học sinh, kèm theo mật khẩu cho phụ huynh; đồng thời hướng dẫn phụ huynh truy cập vào trang sổ liên lạc điện tử để theo dõi, kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả học tập, kết quả tuyển sinh theo quy định.
Trong thời gian tuyển sinh, phụ huynh có thể đăng ký tại nhà qua mạng, hoặc có thể đến trường. Tại các trường đều có bộ phận hướng dẫn phụ huynh đăng ký trực tuyến. Theo ông Phan Văn Quang, mô hình này là cách làm đột phá của ngành giáo dục - đào tạo trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho phụ huynh học sinh; nâng cao hiệu quả giám sát của người dân, cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, chính xác trong công tác tuyển sinh.
Bước đầu, việc tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp có 159 hồ sơ phụ huynh đăng ký qua mạng trên tổng số 314 chỉ tiêu phân tuyến, Trường Tiểu học Bành Văn Trân có 119 hồ sơ phụ huynh đăng ký qua mạng/288 chỉ tiêu phân tuyến, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều có 144 hồ sơ phụ huynh đăng ký qua mạng/309 chỉ tiêu phân tuyến ngay trong ngày đầu tiên, Trường THCS Tân Bình có 341 hồ sơ phụ huynh đăng ký qua mạng/730 chỉ tiêu phân tuyến...
Cũng tại Tân Bình, phường 10 là một trong những phường tiêu biểu trong công tác CCHC. Ông Nguyễn Lê Hoàng Thân, Chủ tịch UBND phường 10, cho biết năm 2018, tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến trên địa bàn phường chỉ đạt 20%. Nguyên nhân do người dân còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng đối với tiện ích của dịch vụ này; một số người thì không nắm vững và thực hiện chưa đầy đủ các yêu cầu nên hồ sơ không đạt... Vì thế, UBND phường 10 chủ động thành lập 7 tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến lưu động, xuống tận khu phố để làm hồ sơ cho người dân. Các tổ còn hoạt động cả vào sáng chủ nhật tại ban điều hành các khu phố, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Kết quả thí điểm tại 3 khu phố cho thấy có 400 lượt người dân chủ động tìm đến tổ tư vấn để được hướng dẫn về cách nộp hồ sơ trực tuyến. Đa số người dân hài lòng về sự gần gũi và tiện ích của dịch vụ này.
Tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Từ sự nỗ lực CCHC của TPHCM, đã xuất hiện nhiều mô hình có giá trị thực tiễn cao. Tại quận 10, UBND 15 phường triển khai các hoạt động sao y, chứng thực chữ ký tận nhà cho người già, người khuyết tật, neo đơn; rút ngắn thời gian xác nhận tình trạng hôn nhân; cử công chức đến tận nhà người dân để hướng dẫn và làm thủ tục khai tử (phường 12); thực hiện tin nhắn báo kết quả thủ tục hành chính đến người dân (phường 15)...
Ngoài ra, UBND một số phường triển khai ứng dụng các phần mềm để nâng cao hiệu quả công việc. Trong đó, nổi bật như tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân qua ứng dụng Zalo; liên thông quy trình, thủ tục giải quyết chính sách, chế độ mai táng cho người dân qua Google drive; khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân và đặt lịch hẹn giải quyết thủ tục hành chính qua Google drive; trang bị máy tính tại nhà sinh hoạt các khu phố để hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Với quyết tâm tập trung đẩy mạnh CCHC, hiện quận Bình Tân có 61 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (thuộc các lĩnh vực kinh tế, y tế, lao động, xây dựng, môi trường, hộ tịch, giáo dục, khen thưởng) và 13 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (lĩnh vực lao động và xây dựng). Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng.
Nếu cuối năm 2016, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 chỉ đạt 4,28%, thì năm 2017 đạt 27,34% và đến năm 2018 đạt 51,38%. Đặc biệt, với lĩnh vực lao động người dân tham gia trực tuyến 100%. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 98,37%.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu, có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, quận tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là mô hình “Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại quận và 10 phường”. Tại trụ sở UBND quận, 10 phường và 130 khu phố thuộc quận đều có tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mỗi tổ đều được trang bị máy tính, máy scan và có cán bộ chuyên môn hướng dẫn. Các tổ này hoạt động thường trực trong giờ hành chính, cũng có tổ tư vấn hoạt động vào ban đêm để hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công.
“Mục đích chính của việc triển khai mô hình này là để người dân biết đến dịch vụ công trực tuyến và biết cách thực hiện. Hiệu quả được thể hiện rõ qua tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng cao mỗi năm, rút ngắn thời gian đi lại, tránh phiền toái đến với người dân mà chính quyền đỡ bị quá tải trong tiếp nhận hồ sơ”, bà Ngọc Diệu cho biết.