
Mặc dù, cuộc thi kịch nói sinh viên toàn thành lần 1 – năm 2006 đã khép lại, nhưng sức hấp dẫn của cuộc thi vẫn còn đọng lại trong lòng sinh viên...
Tuy đây là cuộc thi kịch nói lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã thu hút đông đảo sinh viên 8 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM tham gia. Sau vòng sơ tuyển, có 5 vở kịch hay nhất được chọn vào tranh tài tại vòng chung kết. Mỗi vở diễn đều mang những sắc thái riêng biệt, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút các khán giả sinh viên.

Vở Phòng trọ ba người của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là câu chuyện của ba chàng sinh viên nghèo: sống trong một phòng trọ dột nát, với những bữa ăn đạm bạc và lúc nào cũng lo lắng tiền học – tiền nhà, nhưng trong lòng mỗi người luôn chất chứa nhiều mơ ước cho tương lai tươi sáng.
Vở kịch đã khiến không ít sinh viên đang dõi theo phải nghẹn ngào khi bắt gặp đâu đó hình ảnh của chính mình! Đêm Giáng sinh (giải nhất) của Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM khá chân thật với sự độc diễn của sinh viên Dương Kim Ngân. Một cô gái vọng ngoại, chạy theo sự giàu sang, lấy chồng “ngoại”… và rồi phải hối tiếc cho cuộc hôn nhân không tình yêu, phải sống đơn độc nơi đất khách quê người.
Vai diễn của Dương Kim Ngân đã đem về cho cô giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất. Nồi cháo gà - một vở diễn nổi tiếng của cố tác giả Ngô Y Linh - do sinh viên Hà Mạnh Duy (Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM) dàn dựng. Cũng chính Hà Mạnh Duy vào vai Dũng “anh nuôi” đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về tình đồng chí, sự hồn nhiên đáng yêu của những người lính trẻ… Vai diễn đã mang lại cho Hà Mạnh Duy giải thưởng Diễn viên nam xuất sắc nhất… Các vở Màu hoa đỏ, Lời hứa cũng đầy màu sắc sinh viên hồn nhiên “nghĩ sao diễn vậy”!
Nghệ sĩ Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi - nhận xét: “Lâu nay, các cuộc thi của sinh viên đa phần là về âm nhạc, nên cuộc thi kịch nói lần này rất đáng khích lệ. Đáng mừng là trong sinh viên có nhiều em rất “có khiếu” dàn dựng, nhiều em diễn rất hồn nhiên và chân thật… Tuy nhiên, cũng cho thấy nhược điểm lớn của nhiều bạn trẻ bây giờ là phát âm sai chính tả nhiều quá!”.
Những ngày diễn ra, cuộc thi luôn thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt trong đêm công diễn và trao giải tại Nhà hát Bến Thành, lượng khán giả sinh viên đến xem đông nghẹt cả khán phòng, như tiếp thêm sức mạnh cho các “diễn viên không chuyên” càng diễn càng hay hơn.
Thành công này đã bước đầu tạo nên một sân chơi mới lạ, hấp dẫn sinh viên. Không ít người kỳ vọng, sau cuộc thi lần 1 sẽ có tiếp lần 2, lần 3… và diễn ra hàng năm!
ĐỖ NGUYÊN