Đa dạng các vở diễn
Vở cải lương Cõng mẹ đi chơi là câu chuyện tình cảm tâm lý xã hội lấy bối cảnh ở một làng quê Nam bộ, nhân vật trung tâm là những con người lao động chân chất, luôn khát khao tình cảm, cuộc sống hạnh phúc. Sống giữa cái nghèo, một số người không đủ bản lĩnh bị sa ngã trước tiền tài vật chất. Tuy nhiên, sau những bon chen, đạt được tham vọng, người con của vùng quê nghèo ấy vẫn không tìm được hạnh phúc. Vở có sự tham gia của NSƯT Thoại Miêu, nghệ sĩ (NS) Trọng Nghĩa, Tâm Tâm, Võ Thành Phê, Kim Luận, Tiến Dũng, Diễm Thanh, Lý Thu…
Một cảnh trong vở Cõng mẹ đi chơi
Vở Chân mệnh (tác giả Lâm Thị Huyền Trân, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Nguyễn Thanh Bình) xoáy vào giai đoạn lịch sử thời hậu Lê với nhân vật chính là công chúa Lê Ngọc Bình (còn được gọi là Lê Đức Phi), là hoàng hậu nhà Tây Sơn và sau đó là phi tần của vua Gia Long.
Câu chuyện đặc tả sâu sắc tâm trạng của Lê Ngọc Bình trước cảnh đất nước loạn lạc. Khi Nguyễn Ánh tiêu diệt anh em nhà Tây Sơn, bà đã bình thản chọn cái chết chứ không khai báo nơi vua Cảnh Thịnh lánh nạn.
Thân phận người phụ nữ phải làm vợ của 2 vua ở 2 triều đại thù nghịch nhau, phải sống với quãng đời truân chuyên trong sự giằng xé nội tâm, những trăn trở, quay quắt, phân vân trước lối rẽ mang dấu ấn lịch sử. Vai diễn nặng ký này do NSƯT Quế Trân thủ diễn, bên cạnh là dàn NS quen thuộc của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Nguyễn Minh Trường, Nhã Thy, Lê Thanh, Trọng Hiếu, Bạch Long… Vở cải lương công diễn vào tối 18-8 tại rạp Hưng Đạo, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Tối 20-8, rạp tiếp tục sáng đèn với vở Chuyện tình Lan và Điệp (tác giả Loan Thảo, đạo diễn NSƯT Hữu Lộc). Vở cải lương kinh điển đã đi vào lòng người mộ điệu sân khấu bao thế hệ, giờ trở lại với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Phương Hồng Thủy, Lê Tứ, Quế Trân, NS Trinh Trinh, Võ Minh Lâm, Dạ Lan, Hoàng Minh Vương, Dũng Nhí và bé Nhựt Đăng.
Riêng tại rạp Công Nhân, vào tối 23-8 chương trình nghệ thuật cải lương Gala Hội ngộ tài năng 1 - Hội ngộ những cô đào tài sắc, với sự tham gia biểu diễn của các NSƯT Thoại Mỹ, Phương Hồng Thủy, Phượng Loan, Phượng Hằng, NS Thanh Hằng…
Sân khấu cải lương cần tiếp tục được đầu tư
TPHCM từng là chiếc nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương. Thời vàng son, sân khấu cải lương hoạt động rộng khắp các tỉnh thành phía Nam, song TPHCM vẫn luôn là điểm sáng nghệ thuật, thu hút được các tài danh sân khấu lăn xả làm nghề, các đoàn hát tất bật sáng đèn hàng đêm chứ không phải chỉ mở cửa vào dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi, sân khấu gặp nhiều áp lực, khó khăn, tình hình hoạt động tổ chức biểu diễn ngày càng ảm đạm hơn khi rất nhiều nghệ sĩ tài danh di cư, lớn tuổi, rời bỏ sàn diễn; điều kiện hoạt động (kinh tế, rạp hát…) gặp nhiều trở ngại, khiến các đoàn hát tan rã. Hậu quả là đã có một thời gian dài sân khấu cải lương chịu cảnh thoi thóp, hiếm hoi các suất diễn.
Nay, vượt qua giai đoạn vất vả, chật vật, TP có lại một sàn diễn cải lương, đó là rạp Hưng Đạo, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Dù điểm diễn, sân khấu này không được xây dựng như mong muốn (báo chí đã nêu), nhưng việc vẫn còn có một nơi để nghệ sĩ được làm nghề, nơi diễn định kỳ hàng tuần, giúp không khí tổ chức biểu diễn khởi sắc, như vậy là điều đáng mừng.
Bên cạnh nỗ lực làm việc hết mình của tập thể diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sự sáng đèn của sân khấu rạp Hưng Đạo, hay rạp Công Nhân, thì một phần nhờ vào hiệu quả công tác xã hội hóa tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương, với sự góp sức của một số tác giả, đạo diễn, diễn viên kỳ cựu làng sân khấu.
Nói như thế để thấy, chưa thể biết chắc đường dài của công tác xã hội hóa lĩnh vực sân khấu truyền thống có duy trì và cầm cự được đến đâu, thế nhưng vẫn rất cần sự quan tâm sâu sát, sự giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở VH-TT và các ban ngành liên quan, để góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực nhiều hơn nữa của loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống tại TPHCM.