Nắm bắt xu hướng này, nhiều hệ thống phân phối, doanh nghiệp đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng nhằm tiết kiệm tối đa thời gian chế biến cho người tiêu dùng.
Đa dạng hóa sản phẩm
Ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị Co.opmart: Huỳnh Tấn Phát, Tuy Lý Vương, Đinh Tiên Hoàng… có nhiều sản phẩm nông sản đã được doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức, chất lượng. Đơn cử với sản phẩm thủy hải sản, người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng dưới dạng tươi sống, phi lê đông lạnh hoặc đã được sơ chế sẵn như tôm tẩm bột, ốc nhồi, tôm ngũ quả, càng cua bách hoa… Với những sản phẩm này, người tiêu dùng chỉ cần thực hiện thêm công đoạn chiên, hấp hoặc nấu cùng với những món khác mà không phải tốn nhiều thời gian sơ chế thêm, rất phù hợp với những người bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc nội trợ.
Đa dạng thực phẩm chế biến sẵn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng tiện lợi của người dân
Chị Nguyễn Thị Thanh Trang, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, chia sẻ: “Tôi làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận. Do đặc thù công việc phải thường xuyên làm ca nên không có nhiều thời gian để đi chợ nấu nướng. Do vậy, trung bình mỗi tuần, chỉ dành được một buổi để đi chợ cho cả tuần. Vì thế nên tôi thường ưu tiên lựa chọn sản phẩm đã qua sơ chế, đóng gói để tiện sử dụng, đáp ứng yêu cầu thời gian của công việc”.
Không dừng lại ở việc đa dạng hóa sản phẩm sơ chế, đóng gói, tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện nay cũng đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân, bằng cách đưa ra chuỗi cung ứng thực phẩm đã được nấu chín và đóng gói sẵn. Người tiêu dùng có thể mua sử dụng tại chỗ hoặc mang về nhà ăn liền mà không cần phải nấu lại.
Đánh giá về xu hướng phát triển sản phẩm tiện lợi, đại diện Jica Nhật Bản khẳng định, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người, trong đó số lượng người ở độ tuổi lao động trên 60 triệu người. Quan trọng hơn, giới trẻ Việt Nam đang tiếp cận rất nhanh xu hướng thế giới, trong đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm tiện lợi rất được ưa chuộng sử dụng và luôn tăng trưởng ở mức 2 con số trong 2 năm gần đây. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng đầu tư vào thực phẩm chế biến tiện lợi dành cho đối tượng khách hàng trẻ, giới văn phòng thuộc phân khúc trung cấp. Hiện số lượng doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này chưa nhiều, trong khi doanh nghiệp Nhật lại có kinh nghiệm rất tốt trong lĩnh vực này. Do đó, đây sẽ là xu hướng đầu tư mạnh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm Nhật Bản trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam. Có thực tế, từ năm 2016, mô hình cơm hộp, cơm cuộn đóng gói bày bán đã khá phổ biến tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản.
Mở rộng chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết đáp ứng xu hướng phát triển này, trong năm 2018, Saigon Co.op sẽ đầu tư phát triển thêm 19 Co.opmart, 2 Co.opXtra, 170 Co.op Food, 150 Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers, 1 Co.opmart phân khúc cao (Finelife), kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Đây là một trong những chiến lược phát triển mới của Saigon Co.op, bên cạnh việc tập trung vào lĩnh vực hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp… để hướng đến trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025. Đặc biệt, với hệ thống chuỗi cửa hàng Cheers tiện lợi (phục vụ 24 giờ) các loại nhu yếu phẩm đồ dùng cá nhân, thức ăn nhanh như sandwich, sushi, cơm phần, mì, salad và trái cây tươi, đồ tráng miệng, nước giải khát, các loại bánh, kẹo… được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điểm nhấn của chuỗi cửa hàng tiện lợi Cheers là có khu vực ăn uống với bàn ghế sạch sẽ, rộng rãi thoáng mát.
“Hệ thống cửa hàng tiện lợi Cheers sẽ đáp ứng tốt nhu cầu cho nhóm khách hàng ở tuổi học sinh, sinh viên, người đi làm và đặc biệt là những khách hàng có lối sống năng động, bận rộn tại trung tâm các thành phố. Cheers cũng hướng đến khách hàng trẻ luôn muốn tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi theo xu hướng thân thiện và hiện đại. Do đó, Cheers sẽ luôn tìm các sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng”, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định.
Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, sự ra đời cửa hàng tiện lợi nhằm đa dạng hóa nhu cầu sử dụng của khách hàng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chế biến thực phẩm. Chỉ tính riêng tại TPHCM, chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm năm 2017 đã tăng 4,6% so với cùng kỳ. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp luôn giữ mức tăng trưởng 18,5%. Dự kiến, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ còn cao hơn năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến lương thực thực phẩm đang tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm phát triển mạnh, ổn định và giữ vững thị phần tiêu thụ nội địa, tạo cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống giáo dục, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Cần thiết phải có những chủ trương, chính sách và chỉ đạo quyết liệt về việc buộc các lãnh đạo trường học, chủ doanh nghiệp phải cam kết sử dụng thực phẩm an toàn của các thương hiệu nội có uy tín trên thị trường. Đây cũng là giải pháp để người dân Việt Nam được tiếp cận và sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe.