Sân thượng

Những ngôi nhà cổ Hà Nội được xây dựng vào đầu thế kỷ trước thường có kiến trúc hình ống với mái ngói dốc, cửa bức bàn và khoảng giếng trời ở sân giữa. Mới vài nhà có mảnh sân trên tầng 2 lối dẫn từ cầu thang vào phòng.
Sân thượng
 Chưa thể gọi là sân thượng nhưng khao khát mảnh sân trời là có thật từ xưa rồi. Mảnh sân trời ấy tuy bé nhỏ nhưng được sử dụng thường ngày vào khá nhiều việc. Có thể dùng làm nơi giặt giũ phơi phóng quần áo, bày chậu cây cảnh. Nhà có việc có thể bắc một chiếc bếp mùn cưa lên đun trên ấy.
Những khu phố Tây nhà cửa mới hơn được xây dựng sau này phần lớn có mảnh sân thượng khá to nằm trên nóc dãy nhà ngang phía sau. Nhà ngang này thường chỉ có một tầng dùng làm bếp, kho chứa củi và nhà tắm, khu vệ sinh. Nóc của nó sẽ là cái sân thượng dùng làm nơi phơi phóng. Sau ngày tiếp quản, phần lớn các số nhà khu phố Tây từ đầu Bà Triệu trở xuống hết khu phố Hai Bà Trưng được chia nhỏ cho nhiều gia đình sinh sống. Dãy nhà ngang ít nơi còn giữ để sử dụng chung. Cán bộ viên chức nhà nước được chia chỗ ở theo cấp bậc và nhiều người chỉ đủ tiêu chuẩn ở dãy nhà ngang ấy. Còn lại căn bếp chung phải dùng những hộc bệ bếp bên dưới làm chỗ chứa củi, mùn cưa. Cái sân thượng cũng được chia cho mỗi gia đình theo một cách rất lạ. Người ta không chia theo diện tích mà tự chia phần cho nhau mỗi nhà được phép chăng trên sân thượng một sợi dây thép làm chỗ phơi phóng.
Sân thượng loại này của nhiều ngôi nhà xây dựng thời kỳ đầu người Pháp mới sang cũng chưa có kết cấu bê tông cốt thép. Người ta dùng những dầm thép rải đều cách quãng và xây gạch vỉa uốn vòm. Mặt trên lát gạch đỏ vuông vức. Những ngôi nhà mới hơn được làm bằng bê tông thường đã là nhà cao từ 3 tầng trở lên. Cũng không mấy nhà sử dụng chiếc sân thượng này vì thường không có thang gạch cố định. Chỉ có thang tre thỉnh thoảng trèo lên quét tước dọn dẹp. Những năm chiến tranh, vài ngôi nhà cao hơn 4 tầng trong phố được trưng dụng làm trận địa phòng không. Nóc Nhà in Báo Nhân Dân và nóc Ngân hàng Nhà nước có hai trận địa pháo 12,7mm. Những hôm máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội có thể nghe thấy tiếng đạn pháo bắn rát rạt trên đầu.
Không phải cán bộ công nhân nào kéo về Hà Nội sinh sống cũng được phân chia chỗ ở. Nhiều người phải chọn ở tạm trong gầm cầu thang hoặc khu bếp chung. Những buồng tắm trên tầng 2 cũng nhanh chóng biến thành buồng ngủ khi những gia đình tạm bợ sinh sôi thêm khá nhiều nhân khẩu. Đến khoảng đầu những năm 70, nước sạch ở Hà Nội cũng vô cùng thiếu thốn, chẳng bao giờ còn có thể chảy lên tầng 2 được nữa. Ngay ở dưới mặt đất người ta cũng phải đào những bể chìm hạ thấp đường ống mới mong đêm đến hứng được vài thùng. Cuối cùng thì đến lượt cái sân thượng cũng bị người ta lấn chiếm. Nhà thì quây cót làm bếp đun hoặc chứa củi. Cũng có nhà nuôi lợn, nuôi gà. Chiếc dây phơi phải di chuyển từ sân thượng vào trong những căn buồng chật hẹp. Nhiều gia đình khách đến chơi phải cúi mình luồn lách qua quần áo đang phơi rất ái ngại. Lũ trẻ là thiệt thòi nhất. Chúng không còn chỗ trải chiếu ngồi chơi buổi tối và ngắm pháo hoa ngày lễ nữa.
Đến quãng đầu những năm 90, Hà Nội đã bắt đầu có những chỉnh trang tu sửa nhà cửa sau khi bỏ bẵng đi mấy chục năm kể từ chiến tranh. Vài gia đình có tiền thỏa thuận với hàng xóm mua lại cái sân thượng để biến hẳn chúng thành nhà ở. Lúc này công nghệ xây dựng đã có nhiều tiến bộ và vật liệu rất sẵn nên những ngôi nhà mọc trên sân thượng vô cùng nhanh gọn. Chỉ khi chúng được xây xong hàng xóm mới ngã ngửa. Thì ra trên nóc nó bây giờ là cái sân thượng bê tông vững chãi nhưng đã trở thành của riêng mất rồi.
Hà Nội sôi sục xây dựng nhà trên sân thượng suốt trong thập kỷ 90 hầu như ở khắp các quận nội thành. Ban đầu có thể tạm bợ cót ép giấy dầu. Về sau là tường gạch mái bằng ngay ngắn như ngôi nhà thật. Cũng bán mua đổi chác tận tình bằng giấy tờ viết tay. Vài anh còn có thể làm giàu bằng những dịch vụ mua bán ấy.
Nhưng Hà Nội hình như không thể thiếu sân thượng. Tự nó phải có cách điều chỉnh lại cấu tạo một ngôi nhà. Đó là những người có tiền đã bắt đầu mua lại toàn bộ từng số nhà và đập ra xây dựng mới. Dĩ nhiên không thể thiếu cái sân thượng trên cùng. Nó sẽ được bố trí như một vườn treo tiểu cảnh xinh xắn đẹp mắt. Nhiều gia đình dùng nó làm nơi tiệc tùng tiếp khách quý.
Giờ thì kỹ thuật trồng trọt cũng có những bước tiến khá dài. Nhiều bà nội trợ đã kỳ công biến cái sân thượng nhà mình thành một khu vườn rau cỏ hoa trái tốt tươi. Đỡ phải đi mua và hoàn toàn yên tâm về độ an toàn thực phẩm. Thỉnh thoảng mời nhau đến nhà chơi uống trà đá rôm rả bàn luận chuyện “ớt chị, khoai em…” vui đáo để.

Tin cùng chuyên mục