Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ băn khoăn về quy định chia sẻ rủi ro trong dự thảo Luật.
Theo dự thảo, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này. “Quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro, vì chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ là không được thanh tra dự án PPP”, người đứng đầu Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Vẫn theo Tổng Kiểm toán, dự thảo quy định chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67).
“Đó là các dự án nhà nước bỏ vốn, còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì lẽ ra cũng phải được kiểm toán mới đúng, ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà qua kiểm toán thì thấy rất nhiều sai phạm”, ông Hồ Đức Phớc phân tích. Theo ĐB, cần quy định việc thanh tra, kiểm toán dự án PPP theo Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán. ĐB Phớc nêu vấn đề: tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền, mà cứ trả bằng đất. “Hoàn toàn có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư, đảm bảo sòng phẳng, minh bạch”, ông nói.
Đề cập đến khía cạnh đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu thực tế có công trình PPP nhà nước không góp vốn bằng tiền, mà chỉ dựa vào đất đai.
“Và vấn đề này có hai quan điểm. Thứ nhất là cứ dùng tiền ngân sách để trả (thống nhất thời gian trả tại hợp đồng) sau đó tiến hành đấu giá đất sạch và lấy tiền trả. Còn nếu trả bằng đất thì lúc này chưa giải phóng mặt bằng, chưa đấu giá nên giá đất thấp, sau này có hiện tượng đội chi phí nên có nhiều quan ngại việc đổi đất lấy hạ tầng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết và đề nghị bổ sung một chương quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Về nhận định của Tổng Kiểm toán, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được. Theo ông, Nhà nước phải làm quy hoạch, chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều. Chỉ khi đó mới hoàn toàn kiểm soát được tổng mức đầu tư dự án.