
Sau 1 năm Việt Nam trở thành thành viên của WTO, số doanh nghiệp (DN) dược nước ngoài đăng ký hoạt động và lưu hành dược phẩm tại Việt Nam tăng vọt. Trong khi đó, ngành dược trong nước dù tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Thuốc ngoại đăng ký vào Việt Nam tăng vọt...

Một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM. Ảnh: Mai Hải
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam nhận xét: Trong năm 2007, số lượng DN dược nước ngoài đăng ký tăng thêm 58 DN so với năm 2006, nâng tổng số 370 DN nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam vào thời điểm cuối năm, tăng gấp 2 lần so với 2 năm trước.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, hầu hết DN dược nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam trong năm qua lại chủ yếu là DN quy mô nhỏ và trung bình của châu Á, trong đó Ấn Độ đứng đầu với 81 DN, Hàn Quốc có 37 DN; Trung Quốc 31 DN...
Thực tế này cũng đã kéo theo số lượng thuốc của Ấn Độ, Hàn Quốc đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất cao, chiếm tới 58% số lượng thuốc nước ngoài được đăng ký lưu hành tại Việt Nam với trên 5.000 loại thuốc. Bên cạnh đó, 2 quốc gia này cũng dẫn đầu trong số thuốc nước ngoài vi phạm về chất lượng phải thu hồi trong năm 2007 với 19 loại trong tổng số 26 loại thuốc ngoại vi phạm.
Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, thuốc nước ngoài đăng ký lưu hành vẫn tập trung chủ yếu vào một số thuốc bán chạy như nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, nên có tình trạng trùng lặp nhiều số đăng ký cho một hoạt chất. Còn đối với các thuốc chuyên khoa và đặc trị vẫn còn rất ít và chủ yếu có xuất xứ từ Pháp, Đức và Thụy Sĩ.
Tuy vậy, ông Quang cũng thừa nhận, hiện nay, thuốc nhập khẩu vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng và điều trị bệnh, cũng như nguyên liệu sản xuất cho ngành công nghiệp dược Việt Nam.
Thuốc nội tiếp tục tăng trưởng, nhưng...
Trong năm 2007, trong lĩnh vực dược có 46 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 11,6 triệu USD. Tuy nhiên, quy mô đầu tư của các dự án FDI trong lĩnh vực dược tại Việt Nam còn nhỏ (2,4 triệu USD/dự án), các sản phẩm chất lượng cao còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của Việt Nam. |
Mặc dù DN dược nước ngoài và thuốc ngoại ồ ạt vào thị trường nhưng theo đánh giá của Cục Quản lý dược, các DN sản xuất thuốc Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Đến nay, cả nước đã có tới 180 nhà máy dược phẩm. Trong số 75 nhà máy đã đạt tiêu chuẩn GMP tại Việt Nam 25 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh thu sản xuất dược phẩm của các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 34,5% so với tổng doanh thu của các nhà máy đạt GMP trên toàn quốc và chiếm khoảng 29,7% tổng doanh thu sản xuất trong nước.
Dự kiến năm 2007 giá trị sản xuất thuốc trong nước sẽ đạt trên 560 triệu USD, tăng 18% so với năm 2006 và đáp ứng được 50,34% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.
Tuy nhiên, các DN sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của nước ngoài. Điều này được thể hiện bằng việc giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc và thành phẩm tân dược tiếp tục tăng đều trong 5 năm gần đây.
TS Trương Quốc Cường cho biết, trong số hơn 560 triệu USD giá trị sản xuất thuốc trong nước nguyên liệu nhập khẩu đã chiếm tới 160,3 triệu USD, tăng 23% so với năm 2006; và tăng gần 47% so với năm 2005. Đây là một trong những lý do khiến giá nhiều loại thuốc sản xuất trong nước trong năm 2007 nhiều lần tăng giá do phụ thuộc nhiều giá nguyên liệu nhập khẩu.
Hướng đi nào cho ngành dược?
Để phát triển ngành dược Việt Nam, nhất là khi thị trường dược đang chịu những tác động mạnh từ bên ngoài, trong năm 2008, Bộ Y tế sẽ xây dựng những cơ chế đặc biệt, khuyến khích DN dược nước ngoài hợp tác với DN dược trong nước để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc để hạ giá thuốc tại Việt Nam; đồng thời, thực hiện việc sản xuất thuốc theo hình thức chuyển giao công nghệ hoặc chuyển nhượng thương hiệu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, Bộ Y tế sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng, phấn đấu đảm bảo 75% thuốc lưu hành trên thị trường được hậu kiểm; đồng thời, xây dựng hệ thống nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành nhà thuốc tốt) vào năm 2010.
Khánh Nguyễn