Tại Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội (nằm trong tâm điểm áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão đi qua), mưa kéo dài, như trút từ đêm 2-8 đến tận chiều và tối 3-8. Nhiều tuyến đường bị ngập, cây xanh ngã đổ do gió bão quật. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia liên tục cảnh báo tình trạng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.
Ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ đêm 2-8 và cả ngày 3-8, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa lớn gây ngập lụt 0,3-0,5m tại nhiều tuyến đường trong nội thành. Mưa lớn cùng gió to cấp 6-7 cũng đã làm cho nhiều cây xanh trên nhiều tuyến đường bị gãy đổ, bật gốc làm ảnh hưởng tới giao thông. Trên địa bàn Hà Nội ghi nhận tại vị trí K94+300 đến K94+500 đê hữu Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã xảy ra sạt lở cách đê sông Hồng 500m và cách chân đê 120m. Chiều dài sạt lở khoảng 140m tại 3 vị trí, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 - 5m. Trong đó, có 1 vị trí sạt lở sát vào móng công trình phụ của 1 hộ dân.
Chiều 3-8, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đồng bằng Bắc bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới là cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7; tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa vào đêm 3-8. Dự báo, mưa lũ còn tiếp diễn phức tạp, ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ còn có mưa to đến rất to nên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ tại các sông ở Bắc bộ và các sông tại 2 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, kèm theo tình trạng ngập úng, lũ quét, sạt lở nguy hiểm.
Báo cáo cập nhật từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến chiều 3-8, có 17 hồ thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ phải xả tràn; riêng hồ chứa Trung Sơn tại Thanh Hóa xả nước 1.742m3/giây. Còn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn thì mực nước vẫn đang thấp.
Tổng hợp số liệu đến chiều 3-8, do lượng mưa cục bộ quá lớn nên tại 7 xã vùng cao (gồm: Sơn Diện, Sơn Thủy, Nà Mèo, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng) thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị nước lũ cô lập. Mưa lũ bão đã làm ít nhất 2 người chết (tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa có 1 người, tại tỉnh Bắc Kạn có 1 người) và 13 người mất tích tại Thanh Hóa; 24 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, quốc lộ 217, 219 bị sạt lở một số điểm. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử 4 đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo tại các địa phương (trong đó có 1 đoàn vào huyện Quan Sơn, Thanh Hóa chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất).
Ngày 3-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3 gây ra. Chiều 3-8, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các tỉnh khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ các khu vực bị chia cắt tại Thanh Hóa. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố, và đang thi công. Vận hành tiêu úng sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến mưa, lũ. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt. |
Các tin, bài viết khác
-
Đồng Nai cảnh báo hành vi mạo danh lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để lừa đảo
-
Cảnh hiếm gặp: Đàn cá voi kiếm ăn 20 ngày ở ven biển Đề Gi
-
Phát hiện xe khách chở gần 400kg mỡ động vật bốc mùi hôi thối
-
Giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đến Bình Định làm việc sẽ nhận 250 đến 400 triệu đồng
-
Nghiên cứu, bảo vệ đàn cá voi kiếm ăn 20 ngày ven biển Đề Gi
-
Những giao dịch lớn của người có chức vụ, quyền hạn phải thông qua ngân hàng
-
Nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao
-
Long An phát hiện trường hợp giả mạo văn bản, chữ ký
-
Tổ chức tiệc buffet cho 37 con voi nhà
-
Công đoàn Việt Nam yêu cầu lên danh sách các nhóm “tín dụng đen”