Sau bão số 7 sẽ có “tổ hợp” bão số 8 và số 9

Tại cuộc họp ứng phó bão số 7 tổ chức chiều 9-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia thông tin, sau bão số 7 sẽ có ngay bão số 8 và số 9. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị nâng cao chất lượng dự báo, “cần tiệm cận hơn với thực tế”…
Vị trí bão số 7 lúc 17 giờ chiều 9-10, dự báo sẽ suy yếu vào đêm nay do không khí lạnh

Bão nối bão, hình thành tổ hợp thiên tai nguy hiểm

Ngày 9-10 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục tổ chức hai cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 7 và mưa lũ. 

Tại cuộc họp sáng 9-10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, từ đêm 9-10, một đợt không khí lạnh tràn xuống vịnh Bắc bộ sẽ làm bão số 7 đi nhanh hơn và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta. 

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia tại cuộc họp chiều 9-10

Còn tại cuộc họp chiều 9-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia thông tin thêm, ngay sau cơn bão số 7 sẽ có cơn bão số 8 di chuyển nhanh và mạnh khi vào Biển Đông. Dự báo từ sáng 12-10, bão sẽ ảnh hưởng nên Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia sẽ phát tin sớm và tin khẩn cấp về cơn bão này. 

Sau đó, tới ngày 16 hoặc 17-10, có thể tiếp tục xuất hiện nhiễu động trên biển với khả năng 60% phát triển thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão số 9. 

Phát biểu tại cuộc họp chiều 9-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho rằng: “Lo nhất là hình thái thời tiết trong 10 ngày tới, thiên tai liên tiếp với bão số 7, 8 và chuẩn bị bão số 9 kèm không khí lạnh”. Theo ông, đây là tổ hợp nguy hiểm trong khi sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng, con người bị ảnh hưởng, cần phải chủ động ứng phó từ sớm để giảm thiểu thiệt hại. Đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo sớm về các cơn bão này. 

Cần chuẩn bị sẵn kịch bản, có lệnh là sẽ sơ tán

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thông tin về việc tỉnh Thanh Hóa có yêu cầu dự báo phải thật chính xác, để các địa phương có hành động phù hợp để sơ tán dân. Theo đại diện tỉnh này, nếu dự báo không chính xác mà cứ sơ tán dân, sơ tán mãi mà không có bão, thì đến lúc có bão thật sự, sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan, rất nguy hiểm. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng khó dự báo chính xác tuyệt đối về bão

“Thực ra đến thời điểm này, cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn đã dự báo ngày càng tốt lên, mà dự báo thì không thể chính xác tuyệt đối được”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt công tác ứng phó sớm với thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị cần áp dụng giải pháp là “phải chuẩn bị đủ kịch bản sơ tán dân, nhưng khi nào sơ tán thì sẽ phụ thuộc tình hình thiên tai thực tế”. Theo ông, nếu căn cứ theo thông tin dự báo trước 12 tiếng thì bây giờ gần như đã đảm bảo độ chính xác và 12 tiếng đồng hồ là đủ khoảng thời gian để tổ chức sơ tán. 

Chủ trì và kết luận tại cuộc họp chiều 9-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ ngành thành viên, cơ quan liên quan cùng các địa phương cần có kịch bản ứng phó với bão số 7 và chuẩn bị trước cho bão số 8. 

Cần dự báo sát thực tế hơn

Về chất lượng công tác dự báo như dư luận nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đồng tình rằng, đã là dự báo thì mức độ chính xác không thể tuyệt đối. Song ông nhấn mạnh rằng, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong một cuộc họp ứng phó bão đã lưu ý, cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam cần phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng của Mỹ và các quốc gia lân cận để chúng ta có thông tin dự báo tiệm cận hơn với thực tế, nếu không sẽ gây khó cho chính quyền các địa phương mỗi lần phát đi một thông báo về việc yêu cầu di dời tàu bè, người dân…   

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị nâng cao độ chính xác của dự báo

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai cần có các giải pháp công nghệ để có thể định vị được vị trí các tàu thuyền, xe cộ, phương tiện… trong quá trình ứng phó thiên tai, để khi cần thiết chúng ta có thể xác định nhanh chóng vị trí, tổ chức cứu hộ cứu nạn kịp thời. 

“Thông qua định vị, khi cần thiết, có thể cấm hoặc hạn chế tàu thuyền ra khơi, xe cộ ra đường, người dân vào rừng… nhằm đảm bảo an toàn khi có thiên tai, mưa bão lũ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Tin cùng chuyên mục