Phản hồi bài Thị trường sản phẩm du lịch “Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn”

Sau năm 2010, TPHCM sẽ có nhiều sản phẩm du lịch

Xây dựng chương trình quảng bá du lịch TPHCM trên HTV
Sau năm 2010, TPHCM sẽ có nhiều sản phẩm du lịch

Sau bài viết Thị trường sản phẩm du lịch “Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn” đăng trên Báo SGGP (số ra ngày 13-5) phản ánh tình trạng ngành du lịch TPHCM chưa có nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, Báo SGGP đã trao đổi với bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, để tìm hiểu rõ hơn về hướng phát triển du lịch của TP.

- PV: Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến TPHCM tăng cao, nhưng TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu du khách. Thực tế, TP vẫn còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách. Bà nhận xét gì về vấn đề này?

Sau năm 2010, TPHCM sẽ có nhiều sản phẩm du lịch ảnh 1

Bà ĐỔNG THỊ KIM VUI: TPHCM xác định phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại, nên thời gian qua, TP có nhiều đầu tư để phát triển ngành du lịch. Nhưng TP không lường trước được tốc độ tăng trưởng của khách du lịch quốc tế đến VN. Hiện nay, khách quốc tế đến TPHCM đạt mức tăng trưởng khoảng 15%, nhưng tốc độ đầu tư xây dựng khách sạn chỉ đạt 3,5%. Do vậy, trong 2 năm qua, TP đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch, với nhiều dự án, sản phẩm mới. Tuy nhiên, phần lớn phải đợi đến sau năm 2010 mới có sản phẩm đưa vào khai thác.

- Có phải vì thiếu khách sạn cao cấp, khiến  giá phòng tại TPHCM bị đẩy lên cao so với mặt bằng giá của các nước trong khu vực. Và điều này đã tác động đến tình hình khách sạn cao cấp “vắng khách”  trong những tháng đầu năm nay?

Việc TPHCM thiếu phòng khách sạn cao cấp vào mùa du lịch cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau) là một thực tế. Tuy nhiên, nói giá phòng tại TPHCM cao hơn các nước là chưa thật sự đúng. Vì hiện nay thế giới vẫn chưa có chuẩn chung trong việc xếp loại “sao” cho khách sạn. Tôi đã đi nhiều nước và nhận thấy có một sự chênh lệch lớn trong cách xếp hạng này. So sánh, một khách sạn 5 sao ở châu Âu, có thể chỉ bằng khách sạn 3 sao tại TPHCM. Do chênh lệch trong cách phục vụ và tiêu chuẩn phòng ở mà giá cả có khác nhau.

Theo tôi, trong vấn đề này, du khách mới là người cảm nhận rõ nhất. Còn việc khách sạn cao cấp không có nhiều khách như những năm trước là do các công ty lữ hành đã chuyển khách sang ở những khách sạn 2 sao. Đây là “chia sẻ” của các doanh nghiệp lữ hành, trước việc khách sạn cao cấp phải ưu tiên cho phân khúc thị trường khách doanh nhân. Ngoài ra, TP đang bước vào mùa du lịch thấp điểm.

- Thế mạnh của ngành du lịch TPHCM hiện nay là gì, thưa bà?

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, không có nhiều lợi thế về thắng cảnh, di tích lịch sử như các tỉnh, nhưng đóng vai trò là trung tâm trung chuyển lớn của cả nước và khu vực. Khách du lịch quốc tế đến TPHCM rồi mới tiếp tục đến các địa phương khác. Do vậy, ngành du lịch TPHCM đã xác định loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) sẽ là điểm mạnh của TP.

Hiện TP đã đầu tư xây dựng một trung tâm triển lãm, hội chợ mang tầm quốc tế tại quận 7 và sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm nay. TP còn đầu tư xây dựng nhiều khách sạn cao cấp để phục vụ tốt loại hình du lịch MICE. Doanh thu của ngành du lịch TP chiếm 45% doanh thu toàn ngành du lịch. Trong đó, vai trò trung chuyển du lịch đóng góp cho doanh thu nhiều nhất. Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung khai thác, hướng phát triển du lịch về huyện Cần Giờ.

- TP đang có nhiều dự án phát triển sản phẩm du lịch, bà có thể nói rõ hơn về những dự án này?

TPHCM đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch tại hai huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 9. Hiện TP đang thúc đẩy dự án lấn biển, khu du lịch sinh thái, du lịch rừng tại Cần Giờ. Các dự án này sẽ thực hiện cuốn chiếu và sẽ đưa vào khai thác từ cuối năm 2009. Song song đó, tuyến đường rừng Sác Cần Giờ hoàn thành, sẽ góp phần vào phát triển du lịch nơi đây.

TP cũng tính đến việc phát triển loại hình du lịch khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng và đang khuyến khích đầu tư vào xây dựng bệnh viện để khai thác nhu cầu du lịch kết hợp chữa bệnh, nghỉ dưỡng đang tăng lên từ các nước trong khu vực. Dự án đầu tư, mở rộng khu vui chơi giải trí tại Công viên văn hóa dân tộc (quận 9) cũng đang được triển khai. Đầu tư xây dựng 6 tuyến metro cũng góp phần rất lớn cho phát triển du lịch.

Về dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ và cải tạo lại bến Bạch Đằng, TP đã chỉ đạo và giao cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện. Theo tôi được biết, một tổ chức của Nhật Bản đã thiết kế cho dự án cải tạo lại bờ sông này. Ngành du lịch TP cũng có nhiều cái tâm tư chưa làm được, tuy nhiên, cái khó của dự án này là vướng nhiều dự án ở trên và dưới mặt đất. Yêu cầu của TP là phải gắn tất cả các quy hoạch, làm sao để không bị chồng chéo, đảm bảo, giải quyết tốt bài toán giao thông tại TP hiện nay.

- Bà đánh giá thế nào về những cái được và chưa được của ngành du lịch TPHCM hiện nay? 

Cái cơ bản nhất của ngành du lịch là phải biết cái mạnh của mình là gì. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày một tốt hơn cho du khách. Sau 2 năm triển khai lực lượng bảo vệ du khách, tình trạng an ninh trật tự cho du khách, người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo đã giảm hẳn. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này cần phải có một chính sách vĩ mô, đây không chỉ là cái khó riêng của TPHCM mà là của chung của các điểm du lịch. Nhà vệ sinh cũng là một vấn đề nan giải.

Trong tuần tới, Ngân hàng Đông Á sẽ triển khai thí điểm trạm rút tiền ATM, thư viện kết hợp với phòng vệ sinh công cộng tại quận 12. Mô hình này làm tốt, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất nhân rộng, triển khai tại một số địa điểm trong TP.

Theo tôi, để góp phần giải quyết bức xúc này, nên chăng Chính phủ cần phải có một thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch trong việc đầu tư, mua các phương tiện vận chuyển hiện đại, có trang bị toilet ngay trên xe. Đây là việc cần thiết và đang là nhu cầu rất lớn trong doanh nghiệp. Do chi phí đầu tư cao, hiện tại, Việt Nam rất thiếu loại xe này, chỉ có Saigontourist đầu tư được 2 chiếc loại 1 tầng.

- Xin cảm ơn bà.

Mỹ Hạnh (thực hiện)

Xây dựng chương trình quảng bá du lịch TPHCM trên HTV

Theo thông báo của Văn phòng HĐND và UBND TPHCM, Sở Du lịch, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và các đơn vị có liên quan đang phối hợp xây dựng chương trình quảng bá du lịch TPHCM trên HTV. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, chương trình nhằm mở rộng tuyên truyền quảng bá các điểm đến du lịch, loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, môi trường du lịch của TPHCM.

Việc quảng bá du lịch phải gắn liền với quảng bá văn hóa, truyền thống của con người và đất nước Việt Nam. Trong đó chú ý làm nổi bật các sản phẩm du lịch truyền thống, độc đáo, gây ấn tượng mạnh để kích thích sự tò mò của khách du lịch và khơi gợi được nguồn lực tiềm năng về du lịch của TPHCM.

Chương trình thực hiện theo phương thức xã hội hóa phối hợp với Nhà nước, theo hướng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. UBND TPHCM sẽ xem xét, xin ý kiến bộ, ngành trung ương về việc phát sóng chương trình này ra nước ngoài.

C.Q.

- Thông tin liên quan: Thị trường sản phẩm du lịch: Mới: chết yểu, cũ: nghèo nàn

Tin cùng chuyên mục