Sau sự cố ngã gãy cần trục tháp:Báo động về an toàn cho tính mạng người dân ngoài công trường?

Sau sự cố ngã gãy cần trục tháp:Báo động về an toàn cho tính mạng người dân ngoài công trường?

Sự cố ngã gãy cần trục tháp tại công trình cao ốc Centec Tower một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn lao động (ATLĐ) trên các công trình xây dựng cao tầng tại khu vực TPHCM.

Ai bảo vệ tính mạng người dân dưới cần trục tháp? 

Sau sự cố ngã gãy cần trục tháp:Báo động về an toàn cho tính mạng người dân ngoài công trường? ảnh 1

Tại nhiều công trình xây dựng, những “cánh tay” của các cần trục tháp có nguy cơ đe dọa tính mạng người đi đường.

Trước tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn đang ở mức cao, nhất là trong ngành xây dựng, vấn đề ATLĐ trên các công trình cần phải được giám sát kiểm tra chặt chẽ. Thực tế hiện nay, vấn đề kiểm tra vẫn chưa được tiến hành thường xuyên và đầy đủ hết tại các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM.

Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH Nguyễn Quốc Việt cho biết, hiện Thanh tra Sở đang kết hợp với các sở ngành khác tiến hành kiểm tra ATLĐ trong xây dựng. Tuy nhiên, chắc chắn không thể kiểm tra hết. Vì vậy, trách nhiệm và ý thức về ATLĐ của các doanh nghiệp vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Hơn nữa, theo ông, do biên chế thanh tra sở hiện rất ít, lại tham gia vào các hoạt động thanh tra khác, nhất là thanh tra về nợ đọng Bảo hiểm xã hội cuối năm, nên rất khó kiểm soát tình hình ATLĐ, chủ yếu khi có sự cố mới kiểm tra bất thường.

Rõ ràng, sự cố ngã gãy cần trục tháp tại cao ốc Centec Tower đã khiến không ít người dân lo ngại về các sự cố tương tự sẽ xảy ra, nhất là khu vực trung tâm TP hiện đang có rất nhiều cần trục tháp đang hoạt động. Theo nhận định của ông Nguyễn Khánh Hòa, Kiểm định viên thuộc Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn khu vực 2 (Bộ LĐTB-XH), nhóm cần trục là “rắc rối” và thường xuyên xảy ra sự cố nhất. Các sự cố như: lật, đổ, quá tải gây đứt cáp, nền đất đặt ray yếu gây ngã gãy… rất dễ xảy ra dù đã có kiểm định chất lượng.

Nguy hiểm hơn chính là nhận thức, tình trạng của người vận hành thiết bị. Sự cẩu thả, bất cẩn trong lúc vận hành cũng như tình trạng mệt mỏi do ở độ cao, áp lực công việc và cả… thói quen không sợ xảy ra sự cố, đều có thể dẫn đến tai nạn, nếu như không có sự giám sát quản lý. Càng đáng lo ngại hơn là rất nhiều cần trục tháp đang tồn tại trong các quận trung tâm TP đều “vươn” hoạt động ra khỏi công trình, lơ lửng trên các trục đường, hộ dân… nhưng biện pháp đảm bảo an toàn ra sao thì… không ai biết!

Một kiểm định viên có kinh nghiệm cho biết, những trường hợp đặc biệt - theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam - nếu mặt bằng thi công quá chật hẹp mà trong quá trình hoạt động, các thiết bị nâng như cần, đối trọng và tải (của cần trục) phải vươn ra ngoài công trình, di chuyển trên phần không gian của các đường giao thông, thì phải lập phương án lắp đặt, thi công an toàn và phải được phép của cơ quan thẩm quyền về kỹ thuật an toàn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền nào cấp phép thì… chưa thấy hướng dẫn, nên việc tồn tại các cần trục tháp như hiện nay tại TPHCM chỉ dựa vào kết quả kiểm định về mặt an toàn kỹ thuật vận hành, còn an toàn cho tính mạng người dân, có lẽ ít ai chú ý đến.

Nguyên nhân do đâu? 

Thống kê của Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, từ đầu năm 2007 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 40 vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, làm chết 40 người. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do điện giật, ngã cao, thiết bị không an toàn khi vận hành.

Ngay sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, người trực tiếp có mặt tại hiện trường chiều 27-12, các đơn vị liên quan đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục sự cố, thu dọn hiện trường. Đến trước 21 giờ, toàn bộ phần gãy của cần cẩu trên mặt đường và bên trong bãi giữ xe Nhà văn hóa Thanh niên TP đã được dọn sạch, phần điện đã cơ bản hoàn thành, liên lạc viễn thông được khôi phục hoàn toàn, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và các giao lộ lân cận sau nhiều giờ bị phong tỏa đã thông xe trở lại. Đến sáng 28-12, các đơn vị có mạng lưới điện, viễn thông bị đứt xung quanh khu vực đã nhanh chóng kết nối trở lại.

Toàn bộ hoạt động xây dựng trong công trình đã bị đình chỉ để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Theo nguồn tin từ một thành viên trong đoàn thanh tra, có khá nhiều sai phạm để dẫn đến sự cố gãy cần trục tháp tại công trình này. Do chưa thể thẩm vấn được công nhân lái cần trục nên chưa thể có thông tin chính xác nhưng bước đầu cho thấy người hướng dẫn nâng trục ở mặt đất không có chuyên môn nghiệp vụ.

Đồng thời, thông tin mà Ban chỉ huy công trường báo cáo trước Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín ngay sau xảy ra sự cố là do bất cẩn trong quá trình nâng cần trục tháp lên cao, có thể coi là nguyên nhân chính của vụ ngã gãy. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy đã thiếu sự giám sát của Ban chỉ huy công trình khi vận hành máy, khả năng công nhân vận hành yếu chuyên môn, bất cẩn cũng chưa được quan tâm đúng mức dù hệ thống cần trục tháp tại công trình đã được Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn khu vực 2 (Bộ LĐTB-XH) kiểm định trước khi đưa vào hoạt động. 

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 28-12, lại một vụ tai nạn chết người do ngã cao đã xảy ra tại công trình xây dựng S1-2 Cảnh viên 2 (phường Tân Phú, quận 7 TPHCM). Nạn nhân tên Cao Viết Xuân (SN 1986, quê Thanh Hóa) là công nhân của một đội thi công điện nước (chưa xác định được tên đơn vị), đã ngã từ tầng thượng của tòa nhà Cảnh viên 2 cao 12 tầng xuống đất chết ngay tại chỗ. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, công nhân này đã bất cẩn leo lên thành chắn của tầng thượng để đục đường dẫn nước nhưng không buộc dây bảo hộ, bị mất thăng bằng ngã ra phía sau rơi xuống đất.

NGỌC LỮ

Thông tin liên quan:

Công trình xây dựng cao ốc Centec Tower 
Gãy cẩu tháp, 5 người bị thương

Tin cùng chuyên mục