Đã lâu lắm rồi, những người hâm mộ âm nhạc cổ điển TPHCM mới được đắm mình trong dòng suối âm thanh trong vắt của chương trình hòa nhạc “Toyota Concert Tour 2013” diễn ra tối 30-7 tại Nhà hát TPHCM. Tất cả đều hài lòng với đẳng cấp của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji (ảnh), hiện đang đảm nhận cương vị Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Honna Tetsuji, người đàn ông đậm thấp có dáng vẻ lịch lãm của một quý ông “samurai” dường như đứng cao hơn tất cả các nhạc công của dàn nhạc uy tín nhất đất nước. Nhìn cách ông thẩm thấu với bàn tay nhịp nhàng chỉ đạo khúc chiết từng nốt nhạc, ít người hiểu rằng ông đang gánh vác một trách nhiệm nặng nề là đưa Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tiệm cận với đỉnh cao âm nhạc giao hưởng và cổ điển của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Và đó là bài toán quá khó dù biết rằng danh tiếng của ông từ lâu đã lan tỏa khắp thế giới: Các giải thưởng lớn nhất tại các cuộc thi chỉ huy quốc tế như Tokyo, Toscanini, Parma (Italia), Budapest (Hungary)… cũng như đã chỉ huy nhiều “cây đa, cây đề” trong giới âm nhạc như dàn nhạc Philarmonica della Scala ở Milano, Orchestra Sinfonica dell Emilia Romagna, Mozarteum Orchestra Salzburg…
Để làm được điều này, trong chuyến lưu diễn xuyên Việt 2013, nhạc trưởng Honna Tetsuji đã chọn các đề bài đa dạng và khó, thể hiện nhuần nhuyễn sự hòa nhập với bản sắc Á Đông gồm 2 tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Tchaikovsky, bản Music for Symphony Orchestra với giai điệu vui tươi của nhà soạn nhạc kiêm chỉ huy người Nhật Yasushi Akutagawa và bản chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng bài dân ca quan họ Bắc Ninh Xe chỉ luồn kim của nhạc sĩ Việt Nam Trần Mạnh Hùng. Điều đáng nói là chọn nhạc Tchaikovsky, Honna Tetsuji đã mạo hiểm đi trên cầu thăng bằng khi cùng dàn nhạc phải lột tả cho ra chất “tâm hồn Nga” bí ẩn. Như nụ cười huyền bí của Mona Lisa trong họa phẩm của Leonard de Vinci, các tác phẩm của Tchaikovsky hết sức cuốn hút với cảm xúc dồn nén, có sự duyên dáng nhưng hết sức dữ dội. Nó giống với các kiệt tác văn học cổ điển Nga, nơi mà tình yêu đan xen với sự thù hận, có cả nụ cười kèm nước mắt, có cả sự vui sướng lẫn đau khổ tột cùng. Và bạn có biết các nhân vật chính của văn học Nga thường kết thúc bi kịch? Rất may, bằng bản lĩnh, sự dày công khổ luyện và tài năng, các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã thể hiện thành công những nét tinh tế nhất trong nhạc của Tchaikovsky. Nhân vật chính mà Honna Tetsuji đã “chọn mặt gửi vàng” là Đỗ Phương Nhi, mới 15 tuổi nhưng đã được coi như cây violon trẻ tài ba nhất đất nước thời điểm này, đã biểu diễn điêu luyện và có hồn bản Violon Concerto in D major, Op.35, một bản concerto mà Tchaikovsky viết cho violon đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Cô bé nhỏ nhắn này là một phát hiện khá thú vị của “Toyota Concert Tour 2013” với tương lai chắc chắn còn nhiều hứa hẹn.
Và dòng chảy nhạc cổ điển Nga còn hiện hữu ở nước Nhật với đại diện là nhà soạn nhạc Yasushi Akutagawa. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc trưởng Honna Tetsuji lại chọn Akutagawa cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nếu biết rằng cố nhạc sĩ này (ông mất năm 1989) đã từng kết bạn và hết sức ngưỡng mộ những đại diện ưu tú nhất của đất nước Xô Viết như Shostakovich, Khachaturian và Kabalevsky. Tác phẩm Music for Symphoniny của Akutagawa với đặc điểm vui tươi, hướng ngoại và sự phong phú âm sắc của sáo, đàn dây và kèn đồng qua Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã thực sự cuốn hút tất cả. Tất nhiên, không thể không nói đến sự góp mặt của nhạc Việt trên bản đồ âm nhạc thế giới. Lần này, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã chuyển soạn bài dân ca quan họ Bắc Ninh Xe chỉ luồn kim cho dàn nhạc giao hưởng từ 2 bản ký âm có sự khác biệt nhiều nhất. Điều đó đã gây sự hứng thú và ngỡ ngàng với người sành điệu các bài dân ca cổ. Khép lại chương trình với bản Bèo dạt mây trôi chuyển thể cho dàn nhạc, nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã tặng cho người yêu âm nhạc TPHCM một bữa tiệc âm nhạc tuyệt diệu mà rất có thể còn lâu mới có.
Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Toyota cũng hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức “Chương trình lưu diễn tại Nhật Bản 2013” diễn ra tại 7 thành phố lớn của Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 21-9 đến 1-10-2013. Những tác phẩm dự kiến sẽ được công diễn bao gồm bản concerto số 5 viết cho đàn piano cùng dàn nhạc, 2 bản giao hưởng số 5 và số 7 của nhà soạn nhạc Beethoven, tác phẩm Vào chùa được biên soạn, chuyển thể của NSUT Ngô Hoàng Quân, tác phẩm Requiem for Strings của Takemitsu Toru, tác phẩm Ballet Suite SpiderS Thread của Y. Akutagawa. |
BÍCH AN