
Xã hội đã lên án rất nhiều về nạn bạo hành trong gia đình bắt nguồn từ… rượu. Và đây là đề tài chắc chắn còn được nhắc nhiều đến khi nào không còn những “nạn nhân” của rượu. Xin khai màn cho “Diễn đàn văn hóa” kỳ này bằng câu chuyện hạnh phúc của một gia đình tan vỡ vì rượu và cũng để cảnh báo về những giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình đang mất dần do rượu để chúng ta cùng suy ngẫm.

H. là con đầu trong gia đình có ba chị em. Nhà H. sống bằng nghề nông nhưng lao động chính là… mẹ! Còn ba thì suốt ngày chỉ biết có rượu. Ông lè nhè từ tinh mơ đến chiều tối. Theo lời mẹ H. thì “ổng uống rượu như uống nước lã”. Càng ngày thể lực càng yếu nên ông chẳng thể làm được những việc nặng.
Đôi vai gầy của người mẹ phải gánh vác từ việc đồng áng đến việc nhà. Lắm lúc, chị em H. như quên hẳn sự có mặt của ba trong nhà. Nhiều khi, nghe mấy đứa em nói: “Sao ổng hổng chết đi cho rồi!”, H. buồn lắm. Lũ trẻ còn nhỏ chưa biết gì, thấy ba nhậu về đòi tiền rồi đánh chửi mẹ, nên hận ba thôi.
Nhưng giờ muốn chúng hiểu cũng khó vì ngày nào ông cũng xỉn, ngày nào ông cũng đòi tiền, bà đưa tiền thì êm còn không có thì ông chửi bới rồi hăm dọa “mẹ con tụi bây coi chừng tao. Đừng có mà lộn xộn tao giết hết!”. Những lúc ấy, mấy mẹ con chỉ còn biết ôm nhau khóc.
Khi bà có ý khuyên chồng lo làm ăn phòng khi “hữu sự”, ông liền phán một câu chắc nịch: “Hơi đâu! Rồi sẽ có người lo”. Thật vậy, khi ông nằm viện, mặc dù rất giận nhưng không ai bỏ mặc ông. Người vất vả nhất không ai khác hơn là mẹ H., bà phải túc trực thường xuyên bên giường bệnh chăm sóc ông.
Thế mà, qua cơn “nguy biến” mọi chuyện lại trở về như cũ. Khi tỉnh táo, nhìn người đàn ông ấy rất hiền lành, ít ai ngờ rượu vào ông lại trở nên như vậy. Điều đó cho thấy con “ma men” thật đáng sợ, nó đã giết chết con người chất phác, hiền lành ấy trong ông, khi nó “ nhập” vào thì ông đã không còn là ông nữa. Mấy đứa em của H. dần dần tỏ ra “thiếu tôn trọng” ba. Ông càng áp đặt “quyền làm cha” đối với chúng thì chúng càng chống đối.
Nỗi đau trên đây đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Người cha trong câu chuyện có “đáng” bị đối xử như thế không? Người mẹ có nên cam chịu? Còn hành vi “bất hiếu” của những đứa con có đáng bị phê phán? Muốn hàn gắn những “vết thương” gia đình do rượu gây ra phải chăng là trách nhiệm của xã hội? Bởi chưa bao giờ nạn nhậu nhẹt bê tha của các ông bố trong gia đình trở nên phổ biến và gần như một vấn nạn như hiện nay…
TRẦN LÊ