Họp UBTV Quốc hội

Sẽ bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xuất bản

Sẽ bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xuất bản

* Nhà Quốc hội sẽ hoàn thành vào tháng 2-2011

Tại phiên họp sáng 1-4, UBTVQH đã chấp thuận tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng nhà Quốc hội. Theo đó, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 2-2011 với kiến trúc được nâng cấp từ phương án đoạt giải A (mang mã số L787) trong cuộc thi thiết kế đã được tổ chức. Vị trí xây dựng công trình có thể lùi tối đa 20m từ phía Đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay, cửa chính quay về phía Lăng Bác. Các di tích, hiện vật lịch sử nếu phát lộ trong quá trình khảo cổ phần diện tích bổ sung sẽ được chọn lọc đưa vào bảo tàng.

Phương pháp thực hiện dự án tương tự như đối với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nghĩa là tất cả các công tác lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các nhà thầu tư vấn khác được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu; thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công được thực hiện từng bước đồng thời với thi công để công trình được xây dựng liên tục. Nếu hoàn thành đúng dự kiến, kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII sẽ được tổ chức tại nhà QH mới.

Sẽ bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xuất bản ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu về thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Theo đề xuất của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp trình bày, từ 1-1-2009, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý cho dự án luật này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội cho rằng, ngoài đề xuất sửa đổi của Chính phủ, cần bổ sung chế tài mạnh đối với các vi phạm trong hoạt động xuất bản nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn hiện nay.

“Chúng tôi nhận thấy tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản hiện nay đã trở nên phổ biến dưới nhiều hình thức như lấy cắp bản thảo; xuất bản, in hoặc in nối bản không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả; phát hành tác phẩm không có nguồn gốc hợp pháp... Những hành vi này gây bức xúc trong dư luận, thiệt hại cho tác giả, kìm hãm sự phát triển của ngành xuất bản, làm hỗn loạn thị trường sách, vi phạm pháp luật trong nước và quốc tế...” - ông Đào Trọng Thi nói.

Nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình với ý kiến này và cho rằng cần có đánh giá kỹ hơn việc thực hiện luật trong gần 3 năm qua, đồng thời, dự báo tác động của những quy định đề xuất sửa đổi.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, tại cuộc họp gần đây giữa Ban soạn thảo với Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến này và sẽ thể hiện trong dự thảo luật. Dự thảo luật cũng sẽ chỉ quy định những thông tin bắt buộc phải ghi trên xuất bản phẩm mà không quy định chi tiết ghi trên trang nào, bìa nào…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhất trí với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Xuất bản, nhưng đặc biệt lưu ý cơ quan quản lý ngành về một số tiêu cực trong hoạt động xuất bản thời gian qua như “bán giấy phép”, xuất bản các loại hồi ký cá nhân không qua thẩm định kỹ càng, gây ra những dư luận không chính xác về chính trị, xã hội.

Cùng với việc bổ sung những chế tài xử lý trong luật, Chủ tịch QH đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” để đảm bảo luật được thực thi nghiêm túc.

Hiện cả nước có 55 nhà xuất bản, 1.200 cơ sở in, 129 công ty phát hành sách quốc doanh và khoảng 12.000 cửa hàng, nhà sách tư nhân. Mức hưởng thụ bình quân đến năm 2007 đạt 3,3 bản sách/người/năm so với 2,8 bản sách/người/năm ở thời điểm ban hành Luật Xuất bản (2004).

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục