(SGGP).- Bộ VH-TT-DL sẽ đề xuất cấp thẻ hành nghề trở lại nếu thấy thẻ hành nghề là nhu cầu cần thiết và mang tính tăng cường sự quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, theo ông Phan Đình Tân.
Việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn mới chỉ tạm dừng tại thời điểm này vì chưa thích hợp. Thời gian tới, trong quá trình soạn thảo Luật Nghệ thuật biểu diễn, nếu nhận được sự đồng thuận, Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục đưa thẻ hành nghề vào để xin ý kiến... Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL diễn ra ngày 7-4, tại Hà Nội.
Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH-TT-DL cho biết, sở dĩ tạm dừng tiếp tục lấy ý kiến dự thảo thông tư cấp thẻ hành nghề biểu diễn là do 15/26 thành viên Chính phủ đề nghị chưa cấp thẻ hành nghề lúc này và Nghị định 15 (tức Nghị định 79 sửa đổi) vừa được Chính phủ ban hành đã dựa trên đa số ý kiến các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Tân, trong quá trình thực tiễn quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nếu như thấy thẻ hành nghề là nhu cầu cần thiết và mang tính tăng cường sự quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, Bộ VH-TT-DL sẽ đề xuất cấp thẻ hành nghề trở lại. Tạm dừng không có nghĩa là bãi bỏ vĩnh viễn, vì nhiều ý kiến cũng đề nghị trong quá trình xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn cần đưa vào, sắp tới bộ sẽ cân nhắc...
Một chương trình biểu diễn thời trang
Theo Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, xung quanh việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn, hiện nay vẫn có 2 luồng dư luận. Một bên luôn ủng hộ cấp thẻ hành nghề, một bên không.
Bên ủng hộ cho rằng cần có thẻ hành nghề để chấn chỉnh những nghệ sĩ không có khả năng về chất lượng nghệ thuật, hành vi ứng xử văn hóa chưa tốt.
Bên không ủng hộ cho rằng đó là hành vi cản trở nghệ thuật, bởi có những người không học hành gì nhiều, nhưng lại có năng khiếu bẩm sinh. Tuy nhiên, trong những người có năng khiếu bẩm sinh đó lại có những người có những hành vi ứng xử không chuẩn mực, có những phát ngôn gây sốc trước đám đông...
Chính vì vậy, sắp tới, trong quá trình soạn thảo Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục đưa thẻ hành nghề vào để xin ý kiến...
Tại cuộc họp báo, đại diện của Bộ VH-TT-DL cũng đưa ra nhiều thông tin xung quanh Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu..., trong đó có quy định những hành vi “không được thực hiện” đối với ca sĩ, người mẫu, hoa hậu... Cụ thể, các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, gồm: chụp ảnh, ghi hình cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông; có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Làm rõ hơn về nội dung này, ông Phan Đình Tân cho biết, nghệ sĩ không được chụp ảnh nude, ảnh phản cảm… vì ảnh đại diện là người của công chúng, mà hành vi lại cực kỳ cá nhân, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, cần cân nhắc. Những điều luật không cấm thì chúng ta cũng không cấm. Hơn nữa, ảnh nude thế nào là khiêu dâm, ảnh nude thế nào là nghệ thuật là cả vấn đề. Cũng như đi lễ hội chùa chiền, đâu là tâm linh, đâu là mê tín cũng khó. Vì vậy, vẫn phải xem theo thuần phong mỹ tục đến đâu chấp hành đến đó. Như thế nào là nghệ thuật, thế nào là khiêu dâm, trong quản lý cũng phải theo tình huống cụ thể để xem xét. “Chuyện người mẫu sau khi được giải có chụp ảnh nude, đưa ảnh nude lên hay không còn do điều chỉnh của bản thân người đó, văn hóa ứng xử và hành vi đó xã hội có lên án hay không”, ông Tân giải thích.
MAI AN