Xung quanh vụ lừa đảo 165 tỷ đồng của Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Hoàn Kim:

Sẽ cho kiểm tra lãnh đạo nào của tỉnh đã sang Nga cùng Chi

Liên quan đến dự án RusalkaCân nhắc ngày họp báo làm rõ trách nhiệm cá nhân đã cấp “sổ đỏ”
Sẽ cho kiểm tra lãnh đạo nào của tỉnh đã sang Nga cùng Chi

Như SGGP đã đưa tin, trùm lừa đảo Nguyễn Đức Chi đã dễ dàng lừa đảo Công ty Lương thực Trà Vinh 31.488 tấn gạo. Quanh vụ lừa đảo này có những khuất tất liên quan đến trách nhiệm của tỉnh Trà Vinh. Chiều qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Hoàn Kim đã đồng ý trao đổi nhanh với SGGP quanh vấn đề này.

  • Tỉnh không ra lệnh cho doanh nghiệp bán gạo

- Thưa ông, tại sao tỉnh rất sốt sắng đi đòi nợ cho Công ty XNK lương thực Trà Vinh, một doanh nghiệp đã chuyển giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam từ năm 1995?

Sẽ cho kiểm tra lãnh đạo nào của tỉnh đã sang Nga cùng Chi ảnh 1

Toàn cảnh dự án Rusalka.

- Ông TRẦN HOÀN KIM: Đúng là năm 1995, Công ty Lương thực Trà Vinh đã được chuyển giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Nhưng chúng tôi đề nghị Bộ KH-ĐT kiến nghị cho phép chuyển nhượng dự án Rusalka của Chi là căn cứ vào đề nghị của Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Các ngân hàng trên địa bàn đã cho Công ty Lương thực Trà Vinh vay vốn cũng đã bức xúc kéo dài.

-Tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm thu hồi nợ cho các ngân hàng và cho Công ty XNK Lương thực Trà Vinh hay không?

- Các đơn vị kinh doanh tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của mình. Tỉnh không ra lệnh cho ngân hàng cũng như đối với Công ty Lương thực Trà Vinh. Chúng tôi không có quyền ra lệnh ngân hàng phải cho vay vốn và cũng không thể ra lệnh cho Công ty Lương thực Trà Vinh mua gạo, ký hợp đồng bán gạo. Cả hai đơn vị này đều được quản lý theo ngành dọc. Hiện nay, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam đều đang nỗ lực giải quyết, thu hồi số nợ và tiền lừa đảo do Chi gây ra. Tỉnh ở giữa, kéo họ lại cùng giải quyết.

- Có điều, trước khi ký hợp đồng lừa 31.488 tấn gạo của Công ty Lương thực Trà Vinh, Chi đã tổ chức đưa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số ngân hàng... sang Nga nghiên cứu thị trường. Tại đây, Chi đã dẫn đoàn đến thăm Nhà máy Giày Tula của Nga mà Chi nói là có cổ phần ở đó. Nhưng theo cơ quan điều tra, Chi không có cổ phần ở Tula; doanh nghiệp mà Chi đại diện là Arabela để ký hợp đồng mua gạo cũng không có chi nhánh ở Nga. Vậy mà khi về, Công ty Lương thực Trà Vinh ký hợp đồng rất hớ, khiến Chi dễ dàng lừa đảo, chiếm đoạt trót lọt 2,45 triệu USD. Có phải do lãnh đạo tỉnh cùng đi Nga nên đã tích cực đòi nợ để sửa sai?

- Tôi đã báo cáo Chính phủ rằng, tôi sang Nga không phải do Chi tổ chức. Tôi sang đó cùng đoàn do Bộ Thủy sản tổ chức đi xúc tiến thương mại. Đoàn của Chi tổ chức đi chỉ có anh Trí (Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh), Giám đốc Ngân hàng Công thương, lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển và một số người khác.

- Theo thông tin chúng tôi nhận được, đoàn do Chi tổ chức đi Nga năm 2002, 2003 có cả chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.

- Khi đó tôi chưa là chủ tịch tỉnh. Trước tôi, anh Vẹn làm Chủ tịch UBND tỉnh (ông Trần Văn Vẹn hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lương thực miền Nam - PV).

- Vậy ông đã kiểm tra việc Chi ba lần đưa đoàn lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp sang Nga?

- Tôi sẽ hỏi lại xem ai đi khi đó, từ đó có căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm.

  • Dự án nhỏ, rất khả thi cũng không được vay vốn

- Ngày 26-11-2004, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Trần Khiêu gửi công văn số 2396 đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho phép chuyển nhượng vốn của dự án Rusalka để Công ty Lương thực Trà Vinh có tiền trả ngân hàng. Thủ tướng đã yêu cầu tạm không cho phép chuyển nhượng dự án Rusalka nhưng đến nay, tỉnh vẫn đề nghị cho chuyển nhượng là sao?

- Trong công văn đó, chúng tôi đã nói việc phát sinh nợ đọng lớn với Công ty Lương thực Trà Vinh dẫn đến tâm lý các ngân hàng rất ngần ngại khi cho vay, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Chúng tôi cũng vì muốn phát triển kinh tế của địa phương cả thôi, không có ý gì khác.

- Nếu dự án ở tỉnh mà khả thi thì ngân hàng phải tự tìm đến để đề nghị cho vay mới đúng nguyên lý thị trường. Vậy vì sao tỉnh phải kêu hộ ngân hàng?

- Lý là vậy, ngân hàng phải chủ động tìm đến đối tác. Nhưng khổ một nỗi có nhiều nguyên nhân, kể cả việc ngân hàng không tìm hiểu rõ dự án. Nếu họ lăn xả vào tìm hiểu, tháo gỡ thì đã đỡ. Vì vậy mới cần cùng tháo gỡ.

- Như vậy là vì ngân hàng gây khó khăn cho tỉnh?

- Tình trạng trì trệ cho vay vốn ở tỉnh kéo dài lâu rồi. Dự án quy mô lớn đã khó được vay. Có những dự án rất nhỏ, khả thi lắm nhưng ngân hàng cũng không cho vay. Nuôi tôm đang là cao điểm cần vay vốn để phát triển cũng không được vay. Sức dân thì có hạn. Thế mà tất cả các ngân hàng trên địa bàn đều giảm cho vay, có ngân hàng chững lại. Nặng nhất là ngân hàng Công thương. Tổng dư nợ của tỉnh Trà Vinh là 3.000 tỷ đồng, chưa bằng số tiền mà Ngân hàng NN-PTNT Vĩnh Long cho tỉnh này vay.

- Xin cảm ơn ông!  

NAM QUỐC 

Liên quan đến dự án Rusalka
Cân nhắc ngày họp báo làm rõ trách nhiệm cá nhân đã cấp “sổ đỏ”

Tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa chiều 6-7 cho biết, sau khi công luận phản ứng về việc có nhiều khuất tất liên quan đến trách nhiệm tập thể và cá nhân lãnh đạo của UBND tỉnh, trong đó có việc cấp “sổ đỏ” cho dự án Rusalka, sáng qua 6-7, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định sẽ tổ chức cuộc họp báo để giải thích rõ vấn đề này. Tuy nhiên, ngày họp cụ thể còn đang được cân nhắc.

Vẫn theo nguồn tin trên, hiện các báo quan tâm nhiều nhất đến sai phạm trong việc cấp “sổ đỏ” cho dự án nghỉ mát cao cấp Rusalka, rộng 45 ha ở Nha Trang. Bởi theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi nghe các sở, ban, ngành báo cáo, giải trình liên quan đến dự án hôm 4-7 thì vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc cấp sổ đỏ cho dự án trên, đặc biệt, khi trùm lừa đảo Nguyễn Đức Chi chưa thực hiện các điều kiện mà UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải hoàn tất để được cấp “sổ đỏ”, trong đó có việc phải hoàn trả cho tỉnh trên 10 tỷ đồng tỉnh đã đầu tư một hạng mục nằm trong dự án Rusalka.

Do vậy, sắp tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, các cá nhân có thiếu sót để chấn chỉnh. Riêng liên quan đến số tiền 700.000 USD được coi là Chi đã dùng để “bôi trơn” bộ máy quản lý ở Khánh Hòa và một số hành vi khác, tỉnh đang chờ cơ quan điều tra làm rõ. K.Q.

Tin cùng chuyên mục