Tới đây, nhiều DN quốc phòng sẽ được “dân sự hóa” theo một lộ trình hợp lý để giảm bớt gánh nặng quản lý cho Bộ Quốc phòng. Đây là quan điểm được UBTV Quốc hội thống nhất tại phiên họp hôm qua, 18-12, khi bàn về dự thảo Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP).
“Tinh thần của pháp lệnh là song song với nhiệm vụ chú trọng huy động sức mạnh của nền công nghiệp quốc gia vào phát triển CNQP; sức mạnh của CNQP cũng cần được sử dụng để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nếu không sẽ rất lãng phí”, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói. Đại tướng cung cấp thêm thông tin, Bộ Quốc phòng đang chuẩn bị triển khai cổ phần hóa các DN trực thuộc đang chủ yếu làm kinh tế như may mặc, sản xuất giày dép, mũ...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận đều thống nhất quan điểm trên, nhưng yêu cầu “phải quy định rất cụ thể về việc CNQP tham gia phát triển kinh tế”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận nhận xét: “Cần phân loại DNQP nòng cốt (không tham gia làm kinh tế) và loại DN có thể tham gia làm kinh tế. Cách phân loại này sẽ dẫn tới việc điều chỉnh ngân sách đầu tư cho các loại hình DNQP khác nhau: loại DN nòng cốt của QP thì ngân sách Nhà nước đảm bảo, loại tham gia làm kinh tế thì chỉ được cấp một phần ngân sách thôi”. Theo ông Thuận, sau khi hoàn thiện nội dung của pháp lệnh này (theo hướng cụ thể hơn) nên đưa nội dung pháp lệnh vào Luật Quốc phòng.
A.PH.