Hộp thư văn hóa nghệ thuật

° Đờn ca tài tử có phải là tiền thân của cải lương? Bản “Dạ cổ hoài lang” có phải là ca nhạc tài tử không? (Trương Hữu Đức, Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận)

° Khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhóm đờn ca được thành lập cốt để tiêu khiển, để phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, tân hôn... nhưng chưa hề biểu diễn trên sân khấu. Khi ấy, đờn ca tài tử gồm hai nhóm: Nhóm tài tử miền Tây Nam bộ, như Bầu An, Lê Tài Khị (Nhạc Khị), Nguyễn Quan Đại (Ba Đợi), Trần Quang Diệm, Tống Hữu Định, Kinh Lịch Qườn, Phạm Đăng Đàn...;  Nhóm tài tử Sài Gòn, như Nguyễn Liên Phong, Phan Hiển Đạo, Nguyễn Tùng Bá...

Theo ông Vương Hồng Sển thì từ năm 1915 trở về trước, ca tài tử chỉ hát kiểu “độc thoại”. Năm 1916, có ca kiểu “đối thoại” (ca ra bộ). Đêm 16-11-1918, tại Rạp Hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) đánh dấu thời kỳ phôi thai của cải lương. Sau này, André Thận trước và thầy Năm Tú sau, đã đưa cải lương lên sân khấu. Năm 1922, tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn..., lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự...

Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu chính là tiền thân của bản vọng cổ. Bài này được đưa lên sân khấu lần đầu ở gánh hát Năm Tú ở Mỹ Tho, sau đó được sử dụng rộng rãi. Nó được chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên nhịp bốn. Khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám. Từ khoảng 1944 đến 1954, tăng lên nhịp 16. Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục