Tâm lý lo ngại làm giảm sức mua
Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho thấy, người dân đến mua thịt heo tại quầy hàng tươi sống khá thưa thớt, dù là những ngày cuối tuần. Chị Nguyễn Thị An Thanh, chủ quầy hàng tại đây, cho biết lượng thịt heo bán ra trong ngày đã giảm khoảng 40%. Trước đây, trung bình mỗi ngày cuối tuần, mỗi quầy thịt có thể bán đến 200kg, còn ngày thường thì có thể bán hơn 100kg. Thế nhưng, trong 2 tuần nay, lượng thịt heo bán ra chỉ còn khoảng vài chục kilôgam/ngày.
Lượng heo bán ra ít nhưng lượng thịt heo dồn về các chợ vẫn rất nhiều. Do đó, người tiêu dùng không những lo dịch heo mà còn lo mua phải hàng tồn. Chị Hà Thanh Nga (ngụ đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi đã chuyển sang sử dụng thực phẩm tươi sống khác để thay thế cho thịt heo. Trường hợp cần phải sử dụng thịt heo để thêm vào việc chế biến thức ăn thì tôi chịu khó đến mua tại hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn. Bởi các hệ thống này có sự kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trái ngược với tình hình ảm đạm tại các chợ truyền thống, sức mua thịt heo tại các siêu thị lại đang tăng mạnh. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ chưa có dấu hiệu suy giảm và đang duy trì mức tiêu thụ trung bình 40 - 50 tấn/ngày, tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần. Mặt khác, để tránh rủi ro tuyệt đối cho người tiêu dùng, nguồn thịt heo cung ứng phải được minh bạch, rõ ràng và uy tín.
Hiện nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay, như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… Thịt heo từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc, đang được nuôi tại các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng tần suất giám sát trực tiếp quy trình tiếp nhận và giết mổ; hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay khách.
Cẩn trọng lựa chọn nguồn hàng
Liên quan về vấn đề này, đại diện các hệ thống siêu thị lớn như Lotte, Co.opmart, AEonmall… cho biết, các hệ thống đang gia tăng tần suất kiểm soát cũng như thắt chặt quy trình tiếp nhận, vận chuyển và cung ứng nguồn thịt heo đến tay người tiêu dùng. Về phía Sở NN-PTNT TPHCM cũng cho biết, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, các cơ quan chức năng liên quan đã lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Bên cạnh việc siết chặt quản lý chất lượng thịt heo, đồng thời cũng phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch.
Riêng tại TPHCM, thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất nước, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ quy trình nhập heo tại các đầu mối giao thông; tổ chức lấy mẫu tại các cơ sở chăn nuôi, các chợ đầu mối và triển khai đồng loạt các biện pháp tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển, nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm lấn sâu.
Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực kiểm soát dịch tả heo châu Phi, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo hộ chăn nuôi và người dân cần nâng cao nhận thức để bảo vệ đàn heo cũng như sức khỏe của mình. Theo đó, tăng cường khử độc, tiêu trùng cho đàn heo chăn nuôi. Ngay khi có dấu hiệu heo chăn nuôi bị bệnh, phải báo ngay cho các cơ quan chức năng liên quan để được hỗ trợ dập dịch. Người tiêu dùng nên lựa chọn các điểm bán uy tín, có hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ để mua sử dụng. Tránh mua phải thịt heo trôi nổi trên thị trường, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình.