Siết điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (gọi tắt là Dự thảo). So với các thông tư trước đây, Dự thảo có những điểm nổi bật như các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, những ngành đặc thù được ưu tiên tuyển sinh, quy định về đội ngũ giảng viên…
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ năm 2021 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ năm 2021 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM

Không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nếu có vi phạm

Điểm nổi bật của Dự thảo là Bộ GD-ĐT khẳng định các cơ sở đào tạo được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm (dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và diện tích sàn xây dựng…). Cùng với đó, Dự thảo cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Dự thảo có nhiều điểm mới trong quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với giảng viên cơ hữu, so với quy định trước đây, khối ngành nghệ thuật tối đa 10 sinh viên/giảng viên thì Dự thảo tăng lên 15 sinh viên/giảng viên, khối ngành sức khỏe 15 sinh viên/giảng viên. Những khối ngành còn lại được quy định tối đa 20 - 25 sinh viên/giảng viên. Về đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, Dự thảo tăng điều kiện về chuyên môn hơn so với trước đây. Các trường được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải thỏa mãn các tiêu chí, như: không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước nếu chưa đạt được kiểm định chất lượng, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp dưới 90%, kết quả tuyển sinh năm trước dưới 80%... Trường hợp cơ sở đào tạo vi phạm quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm. 

Tăng cường thanh tra, kiểm soát

Trước đó, Chính phủ cũng có Nghị định 04/2021/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Như vậy, cùng với Luật Giáo dục Đại học (2018) và Nghị định 99/2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học, cho thấy giáo dục đại học được trao nhiều quyền tự chủ và kèm theo đó là trách nhiệm giải trình. Trong đó, có tự chủ về tuyển sinh (xác định chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh). Song vấn đề nhiều chuyên gia băn khoăn là phải có giải pháp để kiểm soát việc vi phạm trong xác định chỉ tiêu; chẳng hạn như xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo, gian lận trong điều kiện xác định chỉ tiêu…ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. 

Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng, với các điều kiện hiện có, nếu áp dụng đúng theo Dự thảo này thì chắc chắn rất ít trường đạt được. Điều này đã minh chứng bằng việc hàng loạt trường công lập, tư thục bị phát hiện tuyển vượt chỉ tiêu khi áp dụng các thông tư trước đây. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có sự tính toán hợp lý và có lộ trình; bằng không, nếu nâng, siết điều kiện mới trong khi điều kiện cũ còn chưa đạt được thì rất khó kiểm soát. 

Th.S Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết thêm, việc đưa tiêu chí đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phù hợp thực tế hiện nay. Bởi lẽ hiện nhiều trường vẫn sử dụng một phần giảng viên thỉnh giảng đến từ các trường khác hoặc từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, đáng lo ngại là khả năng sẽ có một số trường tận dụng vấn đề này để tăng chỉ tiêu tuyển sinh, vì hiện nay phần mềm kiểm soát của Bộ GD-ĐT không thể phát hiện được các trường thực tế có bao nhiêu giảng viên thỉnh giảng.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay chúng ta trao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật. Song vấn đề đáng quan tâm nhất vẫn là cơ quan quản lý phải quyết liệt trong việc kiểm soát. Một trong những vấn đề “nói mãi không làm được” chính là khai khống các điều kiện về giảng viên, diện tích sàn xây dựng, tỷ lệ sinh viên có việc làm để tuyển vượt chỉ tiêu. Nếu lực lượng thanh, kiểm tra tăng cường và kết quả được công khai rộng rãi thì lúc đó các trường muốn sai phạm cũng phải dè chừng hoặc không dám.

Những cuộc tổng kiểm tra trước đây của Bộ GD-ĐT ở hơn 200 trường đại học (ĐH) về các điều kiện đảm bảo chất lượng (như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, quy mô sinh viên) cho thấy hàng loạt trường có đội ngũ giảng viên thiếu chuẩn trầm trọng: từ 30% - 64% giảng viên có trình độ ĐH, trong khi Luật Giáo dục ĐH quy định giảng viên ĐH phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Ngoài ra, nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng thiếu nhiều so với quy định; hàng loạt trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, số lượng giảng viên cơ hữu thuộc các cơ sở giáo dục ĐH tăng bình quân hơn 1.000 người mỗi năm. Riêng năm học 2018-2019, số giảng viên cơ hữu lại giảm hơn 1.600 người so với năm trước. Như vậy số lượng giảng viên tăng rất nhỏ so với quy mô tuyển sinh của nhiều trường trong những năm gần đây.

Tin cùng chuyên mục