SIM người, tên mình

Tình trạng thuê bao đứng tên người này nhưng do người khác sử dụng, dẫn đến SIM không chính chủ là một trong những nguyên nhân của vấn nạn tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” trong nhiều năm qua. Không ít bạn đọc cho biết rất bất ngờ khi mình là chủ thuê bao của những số điện thoại lạ, gặp không ít phiền phức và rắc rối.

Đứng tên thuê bao mà không hay biết

Tra cứu thuê bao mạng MobiFone của anh Tân Dương, số 0908145…, kết quả trả về chính xác là anh dùng căn cước công dân của mình để đăng ký cho ba người, gồm anh và hai con của anh. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận được kết quả chính xác từ việc kiểm tra nói trên. Có người giật mình khi phát hiện tên mình đã được dùng đăng ký SIM cho nhiều thuê bao khác, như trường hợp của anh Trần Đức Trung dùng mạng VinaPhone, số 0838484…

“Tôi không ngờ thông tin cá nhân của mình lại được dùng để đăng ký đến 3 thuê bao khác. Gọi hỏi tổng đài thì họ không giải thích được vì sao tôi lại đứng tên cho ba thuê bao khác ở Đồng Nai. Không thể tin lại có chuyện này xảy ra, nhất là khi gần đây nhà mạng rất gắt gao trong việc chuẩn hóa thông tin thuê bao chính chủ”, anh Trần Đức Trung bày tỏ.

T4c.jpg
Anh Trần Đức Trung nhận tin nhắn thông báo số CCCD của anh có đến 3 thuê bao khác đăng ký nhưng anh không hề hay biết. Ảnh: TẤN BA

Tương tự, nhiều người dùng nhận kết quả bất ngờ khi tra cứu danh sách thuê bao của mình bằng cách gởi tin nhắn đến 1414. Anh Anh Tuấn, chủ một thuê bao của mạng Viettel, phát hiện số căn cước công dân của mình đang được ai đó dùng để đăng ký gói data. Hay trường hợp của anh Hoài An, chủ thuê bao 0947954… của nhà mạng VinaPhone, 2 lần gởi tin nhắn xác định số thuê bao thì đều nhận được tin nhắn phản hồi: “Số giấy tờ không khớp với thông tin thuê bao trên hệ thống của VinaPhone”, dù mới đây chính anh đã đi đăng ký SIM chính chủ tại cửa hàng của nhà mạng này. Anh Hoài An cho biết: “Hệ thống thông báo như trên khiến tôi thấy quá thất vọng với việc chuẩn hóa thông tin của nhà mạng”.

Nhà mạng “đá” trách nhiệm xử lý

Liên quan đến việc xác minh thông tin thuê bao di động, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone cho biết, đây không phải là việc mới diễn ra. Quá trình xác thực thông tin thuê bao di động, cũng như việc đồng bộ thông tin với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nhất là trong năm 2023.

Với những thuê bao “phát sinh sự cố”, người dùng có thể gọi điện đến tổng đài của nhà mạng và cung cấp thông tin cá nhân để được hỗ trợ tra cứu; hoặc đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để nhờ tra cứu. Việc tra cứu giúp người dùng biết được thông tin giấy tờ (căn cước công dân, chứng minh nhân dân) của mình đang được sử dụng đăng ký cho những số thuê bao nào khác trong cùng một nhà mạng.

Hiện nay, các nhà mạng chỉ khuyến cáo là ngay khi phát hiện sai lệch thông tin chính chủ của thuê bao mình đang sử dụng hoặc phát hiện những “thuê bao lạ”, “SIM lạ” đang dùng giấy tờ của mình đăng ký, người dùng hãy liên hệ tổng đài nhà mạng hoặc đến cửa hàng, điểm giao dịch nhà mạng để yêu cầu thay đổi, xử lý những bước tiếp theo… Với khuyến cáo trên, nhà mạng “đá” trách nhiệm xử lý ra cửa hàng.

Ngày 13-3, Bộ TT-TT ra thông báo quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác. Theo đó, yêu cầu các nhà mạng phải xử lý xong tập thuê bao một giấy tờ (căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân) đứng tên nhiều SIM (từ 4 SIM trở lên/giấy tờ với một nhà mạng), trước ngày 15-4. Việc này nhằm bảo đảm SIM có thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định và xác thực người đang sử dụng thuê bao đã đăng ký.

Theo quy định hiện hành, với 3 SIM đầu tiên (với một mạng di động), cá nhân chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, từ SIM thứ 4 (với một nhà mạng), cá nhân cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông. Sau khi có thông báo trên, vấn đề xác thực thông tin thuê bao di động và kiểm tra xem giấy tờ cá nhân có bị lợi dụng đăng ký thông tin SIM khác hay không đã được đông đảo người dân quan tâm.

Việc nắm rõ thông tin các thuê bao mình đang sử dụng hoặc đăng ký theo giấy tờ của cá nhân mình sẽ giúp người dùng tránh nguy cơ thông tin cá nhân bị sử dụng để đăng ký thêm cho các SIM rác. Đây là trường hợp dễ bị liên đới, phải chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao mình đứng tên được dùng cho hành vi vi phạm pháp luật. Trước thực trạng “đứng tên giúp người khác” nói trên, rất cần nhà mạng tích cực hơn trong giải quyết việc này với từng thuê bao đã chính chủ, tránh làm mất thời gian và công sức của người dân.

Để kiểm tra với từng nhà mạng, người dùng soạn tin nhắn “TTTB Số giấy tờ” và gửi tới 1414. Trong đó, số giấy tờ là số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân được dùng để đăng ký SIM. Sau khi gửi, tùy nhà mạng sẽ có các thông tin được trả về khác nhau. Trong đó, bao gồm tên của người dùng kèm danh sách các số thuê bao đã đăng ký từ nhà mạng đó. Ngoài ra, có thể nhắn “TTTB” gửi 1414 để kiểm tra SIM đang dùng đã được được đăng ký thông tin chính chủ của cá nhân hay chưa.

Tin cùng chuyên mục