Sinh thiết hạch ''lính gác'' điều trị ung thư lưỡi hiệu quả

Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp, xếp vào loại nhất nhì trong các ung thư của hốc miệng. Mặc dù ung thư lưỡi là nơi có thể được phát hiện và chẩn đoán sớm, tuy nhiên, tiên lượng sống còn 5 năm chỉ khoảng 40% - 60%, phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn của bướu nguyên phát và sự hiện diện của hạch cổ di căn.

Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp, xếp vào loại nhất nhì trong các ung thư của hốc miệng. Mặc dù ung thư lưỡi là nơi có thể được phát hiện và chẩn đoán sớm, tuy nhiên, tiên lượng sống còn 5 năm chỉ khoảng 40% - 60%, phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn của bướu nguyên phát và sự hiện diện của hạch cổ di căn.

Theo thống kê, tỷ lệ ung thư lưỡi chiếm 0,8% - 1,5% so với toàn thân, chiếm 5% - 7,8% ung thư đầu cổ, chiếm 32,2% - 50,6% ung thư khoang miệng. Tỷ lệ phát bệnh bình quân là 60 tuổi, trong đó nam nhiều hơn nữ, nhưng vài năm trở lại đây, bệnh nhân nữ nhiều hơn và tỷ lệ phát bệnh ở người trẻ tuổi chiếm ưu thế. Thế nhưng, 90% bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám bệnh ở giai đoạn muộn. Do đó, phương pháp điều trị buộc phải phẫu thuật triệt căn, nghĩa là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi tùy theo kích thước và vị trí khối u.

Nguyên nhân đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn là do các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi không rõ ràng, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng, miệng thông thường khác. Tỷ lệ di căn hạch cổ âm thầm khá cao, khoảng 30% số bệnh nhân không sờ thấy hạch trên lâm sàng đã có di căn hạch vi thể, nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tái phát hạch cổ và tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 30%. Vì thế cho đến nay, đối với tất cả các trường hợp ung thư lưỡi không thấy hạch trên lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chấp nhận quan điểm nạo hạch cổ dự phòng để hạn chế tái phát, giảm tỷ lệ di căn và cải thiện thời gian sống thêm của bệnh nhân. Tuy nhiên, có khoảng 50% - 70% bệnh nhân nạo hạch cổ dự phòng với nhiều tốn kém về tiền bạc, thể chất và tinh thần cũng như các di chứng, biến chứng do phẫu thuật mang lại cho bệnh nhân là không thật sự cần thiết.

Do đó, sinh thiết hạch “lính gác” giúp điều trị ung thư lưỡi là mục đích xác lập mối tương quan giữa bướu nguyên phát và vị trí hạch bạch huyết tương ứng, xem hạch có bị di căn thì mới quyết định nạo hạch, tránh nạo hạch cổ một cách thường quy và rộng rãi. Về cách thức tiến hành, bên cạnh thăm khám lâm sàng, siêu âm, sinh thiết hạch bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm; các bác sĩ sử dụng kỹ thuật đánh dấu bằng phóng xạ (tiêm dược chất phóng xạ và ghi hình qua máy SPECT để xác định hình ảnh hạch “lính gác”) và trong khi phẫu thuật, chất màu được tiêm dưới niêm mạc quanh khối bướu để phát hiện và đánh dấu hạch. Sau khi mổ sinh thiết, các hạch sẽ tiến hành được cắt lạnh, khi có bằng chứng di căn mới tiến hành nạo hạch. Như vậy phẫu thuật sẽ chọn lọc hơn và trúng đích hơn.

TS BÙI XUÂN TRƯỜNG
(Bệnh viện Ung bướu TPHCM)

Tin cùng chuyên mục