Sinh viên đón tết xa nhà

Tết xa nhà
Sinh viên đón tết xa nhà

Tết này, khá nhiều sinh viên đang theo học tại các trường trên địa bàn TPHCM không có điều kiện đón xuân ở quê nhà. Thay vào đó, các bạn trẻ ở lại TP tìm thêm công việc để có tiền vừa trang trải cuộc sống, vừa vui tết.

Nhóm múa Sơn Tinh, Thủy Tinh (Trường Đại học Nông Lâm) đang tập dợt chuẩn bị biểu diễn dịp tết. Ảnh: T.HÂN

Nhóm múa Sơn Tinh, Thủy Tinh (Trường Đại học Nông Lâm) đang tập dợt chuẩn bị biểu diễn dịp tết. Ảnh: T.HÂN

Tết xa nhà

Từ ngày bước chân vào đại học, năm nay là năm thứ 3, Mai Thị Thanh Phượng (Khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) đón tết xa nhà. Không phải vì không có điều kiện mua vé tàu, xe về quê ăn tết, mà đối với cô sinh viên Bình Thuận này, mỗi cái tết là một sự trải nghiệm thú vị.

“Dù ba mẹ liên tục gọi điện thoại bảo năm nay về quê ăn tết nhưng tôi vẫn kiên quyết ở lại cùng bạn bè và tìm việc làm trong những ngày tết. Sau ba năm xa nhà, tôi thấy trưởng thành hơn rất nhiều”, Phượng tâm sự.

Còn đối với Nguyễn Thị Thúy (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), tết năm nay buồn nhiều hơn vui. Ngôi nhà nhỏ của gia đình Thúy ở Hà Tĩnh gần như hư hại hoàn toàn trong cơn bão vừa qua. 5 thành viên trong gia đình chỉ trông chờ vào sức lao động của người cha đã ngoài 50 tuổi.

Thúy chia sẻ: “Mỗi lần mẹ gọi điện vào là cả 2 mẹ con đều khóc. Những lúc như thế tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà để ôm chặt mẹ. Nhưng nhà còn quá khó khăn nên cái tết này, tôi ở lại TP tìm việc làm, kiếm học phí cho học kỳ sau”.

Năm nay, tình hình có vẻ càng khó khăn hơn cho các bạn sinh viên nghèo. Vé tàu xe mua đã khó, giá lại cao, tính ra cũng bằng cả 3 - 4 tháng tiền ăn. Thế nên, nhiều sinh viên quyết tâm ở lại, vừa đỡ tốn kém, vừa kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống sau tết.

Hồ Thanh Bình, sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, hồ hởi: “Đây là năm thứ 4 tôi ở lại TP ăn tết. Mấy năm trước, nhờ đi làm thêm, tôi kiếm được khoảng 2 triệu đồng trong mấy ngày tết, vừa đủ học phí cho học kỳ sau. Năm nay, tôi đăng ký làm cùng lúc 2 việc: bảo vệ tại trường và xé vé ở Khu du lịch Suối Tiên, thu nhập chắc được khoảng 3 triệu đồng”.

Năng động tìm việc

Năm nay, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có khoảng 160 sinh viên đăng ký ở lại tết. Nhằm hỗ trợ việc làm cho sinh viên, hơn một tháng nay, thạc sĩ Trần Đình Lý (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM) cùng đồng nghiệp liên hệ các công ty, doanh nghiệp cần lao động thời vụ ngay trong dịp tết để giới thiệu cho sinh viên.

Hiện tại, trung tâm đã cung cấp việc làm cho gần 400 sinh viên, kể cả sinh viên nội trú trong ký túc xá và sinh viên các trường đại học gần đó.

Thạc sĩ Trần Đình Lý cho biết: “Sinh viên trường chủ yếu đăng ký các đầu việc như bán vé ở Suối Tiên; phục vụ tiệc cưới, nhà hàng, quán cà phê với thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày”.

Ngay tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM có hẳn một nhóm múa phục vụ vở kịch Sơn Tinh, Thủy Tinh được diễn ở Suối Tiên trong dịp tết. Còn ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sinh viên lập một vài nhóm khoảng 10 thành viên, phần lớn là sinh viên có sức khỏe, chuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Nhóm sinh viên này nhận đặt hàng từ các thầy cô trong trường, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày/người.

Tại ký túc xá ĐH Sư phạm TPHCM, sinh viên còn được huấn luyện bài bản một lớp gói bánh chưng, sau đó sinh viên được các chủ cửa hàng nhận về làm.

Ngoài hỗ trợ việc làm, các trường đều có những chương trình như tổ chức họp mặt cuối năm, đón giao thừa và tặng quà cho sinh viên ở lại ăn tết.

Ông Hoàng Văn Quý, Giám đốc ký túc xá ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Dù sinh viên đã có việc làm ổn định và thường xuyên trong tết này nhưng dù sao đón tết xa nhà cũng là một sự thiệt thòi. Vì thế, nhà trường sẽ tổ chức nhiều chương trình để sinh viên có cơ hội gặp gỡ và san sẻ tình cảm với nhau”. Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường cả về vật chất lẫn tinh thần, cộng thêm sự gần gũi, san sẻ từ bạn bè, dù chưa hoàn toàn trọn vẹn nhưng hy vọng những sinh viên ở lại ăn tết xa nhà năm nay sẽ có một cái tết ấm cúng.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục