“Số đẹp” là tài sản công

Đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp...vào nội dung phân loại tài sản công.
Nhiều đại biểu cho rằng xe được tặng/cho/biếu/ nên được tập hợp về một đầu mối và phân bổ lại cho hợp lý. Trong ảnh là chiếc xe ô tô mà Thành ủy TP Đà Nẵng được doanh nghiệp tặng nhưng đã trả lại sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Nhiều đại biểu cho rằng xe được tặng/cho/biếu/ nên được tập hợp về một đầu mối và phân bổ lại cho hợp lý. Trong ảnh là chiếc xe ô tô mà Thành ủy TP Đà Nẵng được doanh nghiệp tặng nhưng đã trả lại sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

“Số đẹp” là tài sản công

Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của Dự thảo luật tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, một số loại tài sản công cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển... đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài sản tài nguyên; sẽ được thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản. Đồng thời, dự thảo đã bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.

Có cho thuê tài sản công chưa sử dụng hết công suất?

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu với dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ĐBQH chuyên trách, dự thảo Luật được bổ sung, điều chỉnh theo hướng tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế. Đồng thời, quy định rõ sẽ không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn NSNN để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Các đại biểu đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp... vào tài sản công. Trong ảnh là một địa chỉ bán sim số đẹp trên địa bàn quận Thủ Đức

Được mời giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra ví dụ: nếu vì phục vụ một nhiệm vụ chính trị, mà phải xây dựng công trình quy mô lớn (phải lâu sau mới có sự kiện lớn như vậy tổ chức ở nước ta) sẽ khó sử dụng hết ngay công suất. Nếu trong tình huống này mà không được cho thuê, sẽ khiến “ta tự bó tay ta”. Bộ trưởng Dũng đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện với những trường hợp đặc biệt. Nhiều Ủy viên UBTVQH cũng tán thành với việc bổ sung quy định này.

Tập trung xe tặng về một mối để phân phối

Về các hành vi bị cấm, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật”, người đứng đầu Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết. Về đề nghị bổ sung quy định cấp trên cung cấp hoặc điều chuyển những tài sản quá tiêu chuẩn, định mức hoặc không có nhu cầu cho cấp dưới, thì cấp dưới có thể từ chối, Điều 10 và Điều 13 của dự thảo quy định về các hành vi bị cấm đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định từ chối nhận tài sản do cơ quan quản lý cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

Góp ý về dự án Luật, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng nếu cấm hoàn toàn việc nhận tài sản được cho/ biếu/ tặng là xe ô tô thì cũng chưa hợp lý. “Vấn đề là sử dụng tài sản đó như thế nào” - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói. Ngược lại, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc xây dựng trụ sở hành chính công ở một số nơi là rất lãng phí. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn: “Các tổ chức nước ngoài cũng tặng và thường thì các trường hợp này khá vô tư. Nhưng doanh nghiệp, cá nhân trong nước tặngthường nhằm mục đích khác. Từ các phương tiện đặc biệt như như xe cứu thương, các loại khác tôi cho rằng vẫn có thể nhận, nhưng phải tập hợp về một đầu mối và phân bổ lại cho hợp lý”. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ quan điểm này.

Yêu cầu nêu rõ mục đích phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Tiền đấu giá quyền sử dụng đất phải đưa vào ngân sách nhà nước, do Bộ Tài chính thống nhất quản lý. Nói chung, những tài sản công bằng tiền dứt khoát phải do Bộ Tài chính quản theo Luật Ngân sách. Dự thảo Luật phải phân định rõ vấn đề gì Bộ Tài chính quyết, vấn đề gì Chính phủ quyết; Thủ tướng quyết”.

Tin cùng chuyên mục