Sơ kết đợt tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công

PHÚC HẬU

Chiều 4-3, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh và thành phố trong cả nước về sơ kết gần một năm triển khai tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đãi ngộ đối với những người có công, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 -2015”. Theo tinh thần này, Bộ LĐTB-XH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp về việc triển khai chỉ thị và tổ chức thí điểm tại nhiều địa phương, thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra cơ sở, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn cho 63 tỉnh và thành phố triển khai rà soát. Kết quả bước đầu cho thấy, các địa phương đã rà soát được tổng số đối tượng là 2.070.151 người, trong đó số đối tượng được hưởng đúng và đủ chính sách là 1.982.108 người (chiếm tỷ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm 4,16%) và chỉ có 1.872 người (chiếm 0,09%) thuộc đối tượng hưởng sai chính sách.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết, số đối tượng hưởng sai chính sách có nhiều trường hợp khác nhau như: thương binh từ trần không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ nhưng cơ quan chức năng vẫn giải quyết tuất liệt sĩ cho thân nhân; con liệt sĩ trên 18 tuổi không bị khuyết tật từ nhỏ, không tiếp tục đi học nhưng không cắt trợ cấp; liệt sĩ có thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn giải quyết chế độ thờ cúng; trẻ bị tàn tật nhưng là con đẻ ảnh hưởng gián tiếp chất độc hóa học…

Nhìn chung, đợt thí điểm tổng rà soát đã triển khai khẩn trương và nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách đối với những nhóm đối tượng gồm liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu TNXP… đã được rà soát toàn diện, công khai minh bạch từ cấp xã, phường. Từ kết quả cho thấy, việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đợt tổng rà soát cũng như kết quả đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Đây là cuộc tổng rà soát chính sách đối với người có công lớn nhất từ trước tới nay. Theo kế hoạch, sẽ tiếp tục tổng rà soát trong thời gian từ nay đến tháng 8-2015 để Ban chỉ đạo chính thức báo cáo Quốc hội và Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách đối với người có công trên cả nước. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc; xem xét giải quyết chế độ, thủ tục cho những người có đủ tiêu chuẩn xứng đáng và xử lý đưa ra khỏi danh sách công nhận đối với những người không đủ tiêu chuẩn hoặc sai đối tượng… Đồng thời cũng cần tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho đợt tổng rà soát này.

TPHCM: Khó khăn nhất là những trường hợp không có hồ sơ gốc

Trình bày tại hội nghị trực tuyến về tổng rà soát chính sách đối với người có công, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, qua đợt rà soát thí điểm đối với tổng số 64.567 hồ sơ người có công trên địa bàn thành phố cho thấy có 60.589 trường hợp hồ sơ được thực hiện đúng theo chính sách về chế độ đãi ngộ đối với người có công (chiếm 94,25%) và khoảng 3.694 trường hợp hồ sơ (chiếm 5,72%) chưa đúng chính sách hoặc đề nghị cần được bổ sung, công nhận… Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay khi xác nhận hồ sơ cho các đối tượng là trường hợp không có hồ sơ gốc. Do đó, đề nghị Bộ LĐTB-XH và các bộ có liên quan sớm có hướng dẫn về thủ tục xác nhận, thẩm định và hồ sơ gốc của các đối tượng chính sách, người có công. Trên địa bàn TPHCM hiện nay có 227 trường hợp đề nghị công nhận người có công nhưng không có hồ sơ gốc (chủ yếu là các đối tượng cựu TNXP).

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục