Số lượng công chức cấp xã có trình độ còn thiếu

Sáng 25-7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại đây, lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương đã chia sẻ, nêu lên những khó khăn, thách thức cần hướng dẫn, tháo gỡ trong quá trình vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sớm số hóa đầy đủ dữ liệu hồ sơ

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng chia sẻ, 6 tháng qua, địa phương đã triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra.

Theo đó, trước khi sắp xếp, tỉnh Nghệ An có 412 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 362 xã, 33 phường, 17 thị trấn). Sau sắp xếp, tỉnh Nghệ An còn 130 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 119 xã, 11 phường).

DSC_0479.JPG
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Sau sắp xếp, công tác lưu trữ tài liệu khi thực hiện mô hình tổ chức địa phương mới đặt ra yêu cầu cấp bách, nhất là trong bối cảnh tỉnh Nghệ An đang hứng chịu trận mưa, lụt của cơn bão số 3.

Ông Nguyễn Viết Hưng cho biết, Sở Nội vụ đã thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp làm việc tại các huyện, thành phố, thị xã (trước khi sắp xếp) để kiểm tra, thống kê thực trạng khối lượng tài liệu hiện có và hướng dẫn việc bảo quản an toàn, tránh thất thoát tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ trước, trong và sau sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

DSC_0607.JPG
Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Qua rà soát, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công cho chính quyền cấp xã (mới) sau khi sắp xếp để kịp thời bàn giao tài sản nhằm đảm bảo để các chính quyền cấp xã (mới) hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; không để gián đoạn công tác quản lý, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.

“Công việc cấp xã rất nhiều, đã phân cấp nhiều, chủ tịch UBND xã cơ bản thực hiện công việc của chủ tịch UBND cấp huyện trước đây. Hiện nay, khối lượng hồ sơ lưu trữ rất lớn, địa phương còn thường hứng chịu lũ lụt đe dọa tới an toàn trong lưu trữ hồ sơ, nên việc này cần số hóa dữ liệu và có quy định cụ thể trong bảo toàn”, ông Hưng nêu vấn đề.

Trong quá trình vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo chia sẻ của ông Nguyễn Viết Hưng, tỉnh Nghệ An gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc có nơi còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã không đồng đều, cần thời gian làm quen, thích ứng và phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường. Ở tỉnh Nghệ An, một số xã, phường hiện nay còn thiếu nhân sự có trình độ đào tạo, kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ dẫn tới khó khăn trong quá trình tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Còn tình trạng cán bộ, công chức thừa - thiếu cục bộ giữa các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

“Khối lượng hồ sơ, tài liệu đang tích đống, bó gói chưa chỉnh lý tại UBND huyện, thành phố, thị xã (trước sắp xếp) nhiều; cơ sở vật chất, trang thiết bị bố trí phục vụ công tác tập kết, bảo quản, bảo vệ hồ sơ, tài liệu còn nhiều hạn chế”, ông Hưng nêu vấn đề và kiến nghị với Chính phủ phân định rõ thẩm quyền trong thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục tại cấp cơ sở để thuận lợi trong triển khai, thực hiện. Cùng với đó, sớm có văn bản thẩm định dự án “Hoàn thiện hiện đại hóa bản đồ đơn vị hành chính”.

Hệ thống kết nối phần mềm chưa ổn định

Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, khi vận hành mô hình mới, đòi hỏi cán bộ cần cù, chịu khó, không thụ động thì mới chủ động trong công việc được. Ở Thái Nguyên, khi thực hiện mô hình chính quyền mới, kể cả 22 giờ đêm, khi nhận được chỉ đạo, cán bộ ở sở đều tổ chức họp ngay để sáng hôm sau báo cáo lãnh đạo tỉnh.

DSC_0594.JPG
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ĐỖ TRUNG

“Bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động của người nội vụ phải được phát huy, cũng căng thẳng lắm, cũng có lúc “ăn đòn” vì công việc nhiều, vất vả. Chúng tôi cũng phải xuống tận xã để hướng dẫn những ách tắc, cầm tay chỉ việc, nếu không tháo gỡ ngay từ cơ sở thì có khi lên tỉnh lại thành việc to”, ông Hữu cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hữu đề xuất, với các địa phương miền núi, nhất là đồng bào dân tộc, có những bạn trẻ am hiểu bản địa, am hiểu tiếng dân tộc, am hiểu công nghệ, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn tuyển dụng cán bộ bán chuyên trách ở xã để thực hiện các nhiệm vụ được giao, bởi khối lượng công việc ở xã rất lớn.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng Đỗ Văn Chung cũng nêu thực trạng khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, theo đó, ông Chung cho biết hiện nay, công chức chuyên môn cấp xã còn chưa được đào tạo chuyên sâu, trong quá trình thực hiện đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn. Ông Chung lấy ví dụ, Phòng Văn xã thì các công việc từ lao động, tổ chức bộ máy, tiền lương do 1 người đảm nhiệm là rất khó khăn.

Cũng theo chia sẻ từ ông Chung, tại địa phương này, còn nhiều trụ sở làm việc nhỏ lẻ, một số trụ sở xuống cấp, cần được đầu tư. Cùng với đó, hệ thống phần mềm kết nối với bộ, ngành chưa ổn định, thường xuyên lỗi, nên khó khăn cho việc giải quyết các thủ tục hành chính. Như phần mềm đăng ký kinh doanh của Bộ Tài chính kết nối còn chậm, bất cập; cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ, hệ thống bản đồ, ngành thuế kết nối chưa kịp thời…

Cũng theo ông Đỗ Văn Chung, hệ thống phần mềm chống mã độc hiện cũng chưa hoàn chỉnh, điều này gây khó khăn trong chuyển đổi số. Từ thực trạng đó, ông Đỗ Văn Chung đề xuất cần kịp thời điều chỉnh quy trình nội bộ giải quyết thủ tục, phân quyền cao hơn; hoàn thiện dữ liệu cùng với Cổng dịch vụ công quốc gia và tổ chức thêm các lớp tập huấn…

“Khi vận hành, số lượng hồ sơ đất đai rất nhiều nên các xã, phường gặp nhiều khó khăn; công chức gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, số lượng công chức có trình độ còn thiếu so với thực tế, nhất là về KH-CN và đất đai. Nhiều lĩnh vực chưa có nhân sự chuyên môn phù hợp”, ông Đỗ Văn Chung chia sẻ và nói thêm, sở đang đề xuất có thêm các công chức hoặc đề xuất công chức biệt phái để hỗ trợ cấp xã.

Tin cùng chuyên mục