Theo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi đến Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, KTNN đã góp phần quan trọng vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Cơ quan này đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Có 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định. So với nhiệm kỳ 2011-2015, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được KTNN phát hiện, chuyển sang cơ quan điều tra tăng 9 vụ việc, tương ứng tỷ lệ tăng 45%.
Cùng với đó, KTNN cũng đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền (tăng gần 5 lần so với nhiệm kỳ trước) để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Nhằm khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, tăng 118% so với nhiệm kỳ trước (786/360 văn bản); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng trong nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị được kiểm toán nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản, thấp hơn số thực hiện so với nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2011-2015, các đơn vị được kiểm toán đã sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 văn bản).