Soạn giả Mai Quân-Người giữ nhịp cầu nhân ái của nghệ sĩ

13 tuổi theo tiếng gọi cách mạng
Soạn giả Mai Quân-Người giữ nhịp cầu nhân ái của nghệ sĩ

Trong giới cải lương sân khấu Nam bộ, soạn giả Mai Quân được biết đến như một bậc đàn anh. Người ta gọi ông với danh xưng thân thương chú Năm Triều hay chú Năm, như một sự trân trọng đối với người nghệ sĩ đã dành trọn tấm lòng cho Ban Ái hữu nghệ sĩ.

13 tuổi theo tiếng gọi cách mạng

Quê ở thị xã Bạc Liêu, lúc nhỏ, so với bạn bè cùng trang lứa, cậu thiếu niên Huỳnh Kim Thạch may mắn được gia đình cho học tiếng Hán, tiếng Pháp. Đến năm 13 tuổi (1947), bé Thạch theo tiếng gọi cách mạng.

Nhờ vào vốn kiến thức học được ở quê, Thạch được đưa vào Trường Trung học kháng chiến Nam bộ - Nguyễn Văn Tố, trường dành cho trí thức trẻ miền Nam, nằm giữa rừng U Minh. Học ở đó 3 năm, trong cảnh đất nước “kháng chiến trường kỳ” gian khổ nhưng với Thạch đó là điều hạnh phúc và may mắn nhất vì được học với những người bạn đồng môn như Bùi Đức Ái (nhà văn Anh Đức), nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Đoàn Giỏi...

Nhờ vậy, Thạch được ra công tác ở Chi hội Văn nghệ Nam bộ. Sau này, khi nhìn lại, ông thừa nhận: “Chính những năm tháng học tập gian khổ đó đã hình thành người nghệ sĩ cách mạng trong tôi”.

Năm 20 tuổi, sau khi được trui rèn trong chiến khu, Thạch được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động văn nghệ quần chúng trong giới học sinh - sinh viên và các đoàn thể tiến bộ lúc bấy giờ. Ngày đó, người thanh niên Huỳnh Kim Thạch khi vào Sài Gòn chỉ với chiếc ba lô trên vai, tiền không có, mọi thứ ở Sài Gòn đều xa lạ, đến “xe đạp còn chưa biết chạy, phải tập lên tập xuống”, vậy mà chính Thạch  là người khơi dậy phong trào dạy múa dân tộc ở Sài Gòn.

Tháng 3-1956, Huỳnh Kim Thạch đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản VN khi vừa 22 tuổi. Nhiệm vụ của anh lúc bấy giờ là phát triển đoàn viên để đưa vào chiến khu, gầy dựng thêm cơ sở cách mạng bí mật... Và bí danh Năm Triều xuất hiện từ đó.

Ngòi bút - vũ khí chiến đấu

Từ năm 1990 đến nay, soạn giả Mai Quân giữ chức Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ, tiếp tục phát huy truyền thống của Hội Nghệ sĩ ái hữu. Ông đã cùng đồng nghiệp làm nhịp cầu nhân ái, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp, trợ cấp nuôi dưỡng nghệ sĩ nghèo neo đơn, già yếu. Tâm nguyện của chú Năm Triều là các nghệ sĩ tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn và có một nơi để sinh hoạt, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Hoạt động không được bao lâu, Năm Triều bị lộ và ông phải thay đổi công tác. Ông vào gánh cải lương Phước Chung, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng với danh nghĩa là soạn giả cải lương.

Những vở tuồng nổi lên như một hiện tượng trong giới cải lương ngày đó như: Nhụy hoa lan, Tuyết phủ chiều đông, Bên đồi trăng phủ, Lạnh hoàng hôn… trên sân khấu Phước Chung là do một tay ông gầy dựng, với nghệ danh là soạn giả Mai Quân.

Từ đó, nghệ danh Mai Quân trở thành quen thuộc với khán giả cải lương và ông trở thành soạn giả thường trực cho cả chục gánh hát: Thanh Tao, Ngọc Kiều, Kim Chưởng, Kim Chung I, II, III, IV...

Ngày đó, người thanh niên trẻ đã xác định tư tưởng vững chắc “làm văn nghệ cũng là làm kháng chiến và người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ tiến công kẻ thù bằng ngòi bút của mình”.

Trong vai trò người nghệ sĩ, một soạn giả tên tuổi lúc bấy giờ, ông vừa hoạt động nghệ thuật vừa hoạt động bí mật ở nội thành, gầy dựng cơ sở cách mạng. Năm 1961, trước sự kiện lịch sử đáng nhớ: Thành lập Tiểu ban Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định (1961), ông được bầu là ủy viên phụ trách sân khấu. Năm 1964, thành lập Đảng ủy văn hóa T4 (1964), ông là Đảng ủy viên phụ trách sân khấu và báo chí nội thành Sài Gòn, đặc biệt là thành lập lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc và đại hội tại Tòa Đô chính (nay là trụ sở UBND TPHCM).

Cái tên Năm Triều - Mai Quân đã thành “cái đinh” đối với bọn mật vụ. Năm 1967, chúng bắt ông và đày ông đi Côn Đảo. Bảy năm bị tù đày, trải qua nhiều nhà tù, ông đã chịu biết bao nhục hình tra tấn dã man. Bất chấp những năm tháng lao tù gian khổ, ông vẫn cùng đồng đội xây dựng cơ sở Đảng và đấu tranh chính trị với giặc, quyết một lòng với cách mạng, giữ  giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Sau Hiệp định Paris, ông được trao trả về Lộc Ninh (1974), sau đó công tác ở tiểu ban văn nghệ cũ, tiếp tục sáng tác những kịch bản dàn dựng  cho Đoàn Văn công thành phố  biểu diễn phục vụ trong vùng giải phóng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). 

Ngày 30-4-1975, trong không khí tưng bừng của toàn dân, dưới sự sự chỉ đạo của đoàn cán bộ văn hóa từ Hà Nội vào Sài Gòn, soạn giả Mai Quân được phân công tập họp nghệ sĩ 2 miền để biểu diễn, giúp đỡ các nghệ sĩ trong Nam gặp khó khăn vì sự xáo trộn sau chiến tranh, phục vụ nhân dân nhân ngày độc lập, thống nhất đất nước.

Hải Thanh
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục