Sớm giải bài toán khát vốn

Phân bổ vốn cho DNNN phải trình Quốc hội
Sớm giải bài toán khát vốn

Sáng 24-5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Hầu hết các đại biểu đề nghị Chính phủ phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), trong đó nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Phân bổ vốn cho DNNN phải trình Quốc hội

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về kỷ cương ngân sách không bảo đảm. ĐB Trần Hoàng Anh (TPHCM) cho rằng, trong năm 2010, tình trạng khai man, trốn thuế khá phổ biến. Việc thất thu thuế khiến dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các DN, vì vậy cần kiên quyết truy thu nợ đọng thuế. Ngoài ra, tư duy nhiệm kỳ, chi vượt dự toán, đầu tư dàn trải, chạy dự án đầu tư tràn lan đã gây thất thoát, lãng phí cần chấn chỉnh triệt để.

Cử tri và nhân dân rất lo lắng về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trước đây là sự đổ vỡ của Tập đoàn Vinashin, nay lại đến Vinalines.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng cần làm rõ việc phân bổ ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thực tế hiện nay, việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả nhưng không được giải trình. “Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với nguồn vốn chủ sở hữu đến 30 - 40 tỷ USD, nhà nước không lấy thuế nhưng vẫn kém hiệu quả. Đề nghị trong những lần Quốc hội phân bổ ngân sách tới, Chính phủ phải giải trình nguồn tiền như thế nào, cử tri cả nước rất băn khoăn”, ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng đề xuất trong khi tài nguyên nhà nước dành cho các tập đoàn, DNNN là vô cùng lớn nhưng quá nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ. Những sai phạm có tính hệ thống tại hai “ông lớn” Vinashin, Vinalines là những bài học rất đau lòng. “Vì vậy trước khi phân bổ nguồn vốn cho các DN này, Chính phủ phải trình Quốc hội phê chuẩn để hạn chế nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước”, ĐB Đỗ Văn Đương và rất nhiều ĐB khác cùng đề nghị.

ĐB Trương Thị Ánh, Võ Thị Dung (TPHCM) cùng đề nghị Bộ Tài chính tăng cường giám sát tài chính, đặc biệt ở khối DNNN.

Phải nới lỏng chính sách tiền tệ

Về tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết các ĐB đồng ý gói giải cứu DN nhưng phải triển khai chặt chẽ, không để lạm phát cao quay lại. Hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết 13 của Chính phủ, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng bởi nếu GDP giảm sút thì số người thất nghiệp sẽ tăng rất cao. Năm 2012 chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6% - 6,5%, nhưng có thể đạt 5,5% - 6% nếu nỗ lực.

Về các giải pháp tiền tệ Chính phủ đưa ra, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng nền kinh tế hiện nay rất khát vốn, Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà DN phá sản càng nhiều.

ĐB Đinh Thế Huynh (Hòa Bình) lại cho rằng cần đánh giá thực chất, thực trạng hoạt động của các DN. Nói DN gặp khó, nhưng khó tới đâu, khó như thế nào dường như vẫn chưa đánh giá được. Không chỉ DN nợ ngân hàng mà DN đang nợ lẫn nhau. Phải đánh giá đúng thực trạng mới đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Cần nhìn nhận được tình hình thực, nếu không có thể giải pháp đưa ra sẽ quá mạnh, không đủ mạnh, hoặc không đúng địa chỉ.

Trong 4 tháng đầu năm nay tín dụng vẫn tăng trưởng âm, trong khi từ trước tới nay nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng. Do vậy, mục tiêu đề ra cho tăng trưởng GDP ở mức hợp lý rất khó đạt được. Cần tính toán để nới van tín dụng một cách hợp lý, đừng để đến lúc quá khó khăn lại tăng giật cục, sẽ làm chuyển sang thái cực khác, mở đường lạm phát tăng trở lại. Điều hành giật cục cũng là yếu tố khiến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn hơn.

Các ý kiến cũng đề nghị ngoài việc nới lỏng chính sách tiền tệ, giải bài toán khát vốn, Chính phủ cần đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho cho DN. “Hàng triệu DN, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại được thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được”, ĐB Trần Du Lịch chốt lại.

Tương tự, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề nghị năm 2012 này cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. “Nên đồng bộ 3 giải pháp: hỗ trợ DN, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực Chính phủ có thể kiểm soát như đất đai. Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, các DN co cụm, nên nếu không triển khai các giải pháp thì cũng không thể thu thuế được”, ông Hòa nói.

"Báo cáo của Chính phủ vẫn nhiều màu hồng. Tôi là người đứng đầu một DN, đến tháng 3-2011, chúng tôi giật mình vì biết rằng mình sắp nguy tới nơi. Khó khăn đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn và lãi suất ngân hàng. Thời gian qua, khi các DN vừa và nhỏ phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 24%, phải đi đêm mới vay được tiền. Vay được tiền mà thế này cũng chỉ như uống một liều thuốc độc thôi, càng chết nhanh hơn. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ sớm triển khai Nghị quyết 13 để cứu các DN đang hấp hối"

ĐB Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị

Nhóm PV


Đề án tái cơ cấu nền kinh tế
Phải cụ thể để triệt tiêu lợi ích nhóm

Trong buổi thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, chiều 24-5, nhiều ĐBQH cho rằng, đề án còn thiếu tính đột phá, tính khả thi để thay đổi nền kinh tế.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), các giải pháp đưa ra trong đề án chưa đưa ra lĩnh vực, ngành ưu tiên chưa đầy đủ... Đề án chủ yếu đưa các nội dung đã được đề cập trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Sự thiếu đột phá trong đề án và trong các tổ chức thực hiện sẽ làm tình hình vẫn như từ trước đến nay và phát triển kinh tế theo chiều ngang kéo dài chưa biết đến khi nào.

Sở dĩ cần có tính đột phá, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, tham nhũng, lợi ích nhóm đã hình thành ở Việt Nam và đã bắt đầu “bám rễ”, câu chuyện đầu tư tràn lan sân bay, bến cảng... thời gian qua là một ví dụ. Sự đầu tư lãng phí hàng loạt các dự án với tổng giá trị cả chục ngàn tỷ đồng để rồi sau đó phá sản, hư hỏng như một minh chứng bị nhóm lợi ích chi phối.

Do vậy, trong đề án cần phải đưa ra giải pháp cực kỳ quan trọng, làm thế nào, ai làm thì mới có thể vượt qua. Bởi nếu tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, DNNN sẽ có các nhóm lợi ích chi phối như trong văn kiện của Đảng đã đề cập.

Nhiều ĐB đã đề cập cảng biển, sân bay đầu tư tràn lan nhưng khi xem xét lại chưa nói đến nguyên nhân tham nhũng, lãng phí do đầu tư tràn lan...

Nhiều ĐB cho rằng, đề án chỉ thấy nêu vấn đề như một gợi ý hay có thể gọi là dự án tiền khả thi. Cùng với các giải pháp, đề án phải chú trọng yếu tố con người vì con người phải là trung tâm của mọi giải pháp, quyết sách. Đề án cần chi tiết hơn, định lượng và có “phân vai” rõ ràng để thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Nhiều ĐB cho rằng đề án cần giải trình thêm: nguồn nhân lực để thực hiện đề án này ở đâu? Cần đột phá lĩnh vực nào? Chi phí và thời gian làm bao lâu, vì nếu không làm rõ thì đọc đề án này cũng giống như các nghị quyết.

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) và nhiều ĐB khác cũng băn khoăn về việc đề án chưa định rõ chi phí xã hội để thực hiện. Do đó, cần phải minh bạch tài chính khi thực hiện đề án này, tránh tình trạng như hiện nay, lãi suất ngân hàng chủ yếu là lãi suất “đi đêm”. Do đó, đề án có hay đến mấy nhưng vẫn với bộ máy này, đội ngũ này rất khó thực hiện có hiệu quả.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, đầu tư công là do Quốc hội, Chính phủ quyết định, vì thế cần đưa ra các quyết định trọng tâm, không dàn trải, đồng thời phải rất chặt chẽ khi quyết định đầu tư công.

Không hài lòng với việc Bộ GTVT đề xuất đầu tư 10.900 tỷ xây dựng trụ sở, ĐB Nguyễn Bá Thuyền khẳng định: Đó là điều không thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Ai cũng sẽ xin xây dựng trụ sở thật hoành tráng, rất lãng phí. Tại sao trụ sở, phòng họp cứ phải hoành tráng? Tại sao tỉnh nào cũng đầu tư sân bay? Bài học lâu nay cho thấy, nếu đầu tư công không tính toán sẽ mất hết, ví dụ như dự án đánh bắt xa bờ.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), đề án tái cấu trúc nền kinh tế Chính phủ đã trình Quốc hội khó gọi là đề án. “Tất cả những định hướng phát triển thì Nghị quyết Trung ương Đảng đã nêu. Trông chờ nhất của đề án này là vạch rõ cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội để Quốc hội quyết thông qua cho Chính phủ thực hiện thì chưa có. Các quyết sách về thuế, tín dụng... cần Quốc hội quyết chưa được đề án nêu”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Đồng thời ông Lịch cho rằng, đề án vẫn chỉ là những quan điểm chung chung, thậm chí mới dừng ở tính chất “hiệu triệu”, chưa có tác dụng rõ ràng. Nếu công bố một đề án như vậy thì chưa tạo được định hướng, niềm tin đối với DN. Đơn cử như hiện nay, 63 tỉnh thành đang ở tình trạng chia cắt như 63 nền kinh tế, Quốc hội cần đưa ra quyết sách về vấn đề này, nhưng đề án chưa thể hiện được.

ĐBQH Trần Du Lịch phát biểu tại tổ.

ĐBQH Trần Du Lịch phát biểu tại tổ.

"Xây dựng đề án phải xuất phát từ thực tiễn kinh tế, xã hội, điều kiện tài nguyên thiên nhiên và lợi thế của Việt Nam. Nước ta có lợi thế nông nghiệp và bờ biển đẹp, dân số 88 triệu dân với ưu thế hướng về nội địa thì ta lại chưa làm. Vì vậy, tái cơ cấu phải dựa trên nguồn lực, tài nguyên, thế mạnh thì nguồn lực này mới khả thi. Chính phủ cần làm nhanh hơn tái cơ cấu đầu tư công để định hướng đúng, ưu tiên lĩnh vực gì, đặc biệt là nông nghiệp. Điều chỉnh để lái vốn vào nông nghiệp, nông thôn, tuy chậm nhưng chắc"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nhóm PV


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên:
Vinalines chưa cần “cấp cứu”

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định vụ việc ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khác xa so với Vinashin. Và nếu bình tĩnh giải quyết, Vinalines sẽ trụ được, chưa cần đến những giải pháp “cấp cứu”.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Ông Nguyễn Đức Kiên

- PV: Ông nghĩ thế nào về “sức khỏe” của Vinalines sau khi một số lãnh đạo tổng công ty này bị khởi tố? Liệu có cần áp dụng những giải pháp cấp cứu đối với DN này hay không?

Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Vinalines có chết đâu mà phải “cấp cứu”! Tổng công ty này lỗ bắt đầu từ 2009, trước đó vẫn có lãi. Và bối cảnh kinh tế thế giới từ năm 2009 đến nay như thế nào mọi người đều biết.

Lãnh đạo DN có sai phạm, tham ô, tham nhũng phải bị trừng trị rất nghiêm khắc. Nhưng bên cạnh đó cũng cần bình tĩnh đánh giá tình hình thị trường, xem cái nào thua lỗ do khách quan, cái nào do yếu kém, sai phạm trong quản lý điều hành. Có thế mới có giải pháp đúng đắn đối với doanh nghiệp được.

- Bây giờ, nếu tiến hành tái cơ cấu DN với Vinalines thì theo ông cần phải làm gì?

Trường hợp của Vinalines rất khác với Vinashin. Ngành dịch vụ biển là không thể thiếu được đối với một nền kinh tế biển. Và cá nhân tôi cho rằng Vinalines vẫn có khả năng tự phục hồi được.

- Sẽ có thể bóc tách giữa nhiệm vụ chính trị - xã hội mà DNNN được giao thực hiện với kết quả kinh doanh thuần túy?

Chắc chắn phải làm như vậy. Kiểm toán sẽ chỉ ra được đâu là những việc phải thực hiện theo mệnh lệnh hành chính và cái đó phải tính riêng, không hạch toán vào kết quả kinh doanh. Tóm lại, phải công ty hóa đối với DNNN, DNNN phải thực hiện trách nhiệm giải trình và mọi người kiểm soát được.

- Nếu được giao làm Tổng Giám đốc Vinalines, ông có dám làm không?

Tôi sẽ làm!

Anh Thư thực hiện


Xóa đặc quyền mới buộc DNNN kinh doanh bình đẳng

Chiều 24-5, ĐBQH thảo luận tại tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Xung quanh một nội dung trọng tâm của đề án là việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Ông Nguyễn Đình Cung

Ông Nguyễn Đình Cung

- PV: Thưa ông, ngày 23-5, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 chỉ đạt 5,7%. Chính phủ cũng như QH đều nhìn nhận những dấu hiệu của suy giảm kinh tế. Đây có phải thời điểm thích hợp để mổ xẻ, chữa trị nền kinh tế, khi mà việc mổ xẻ đó có thể làm tiêu hao thêm nguồn lực?

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Đúng như trong đề án đã chỉ rõ, tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại. Thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Như thế, trước mắt có thể có hàng ngàn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước phải đình hoãn; hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được. Nhiều DN yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản, một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động. Một số địa phương có thể phải thay đổi định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ… Nhưng nếu không làm, không chịu đau chữa bệnh thì đến bao giờ nền kinh tế mới thực sự khỏe mạnh được?

- Trong 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế được đề án nêu ra có việc tái cơ cấu khối DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể là sẽ tập trung thực hiện đồng thời ba nội dung, trong đó có nội dung “áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các DNNN phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN khác”. Làm thế nào có thể được áp dụng điều này trong thực tế?

Điều này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng then chốt phải xóa bỏ cho được trên thực tế những ưu đãi, lợi thế do chính sách, thể chế mang lại đối với những tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tôi nhấn mạnh phải “xóa bỏ được trên thực tế”, vì trong rất nhiều trường hợp các quy định pháp luật bị bóp méo. Các chế định hiện hành về cơ bản đã đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình DN, nhưng rõ ràng từ luật đến thực tế vẫn có khoảng cách. Chỉ khi thực sự xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi mới buộc được các DNNN phải cạnh tranh, hoạt động kinh doanh như những DN khác, chứ không chạy đi tìm kiếm mối quan hệ, tận dụng lợi thế và tạo ra địa tô. Áp dụng nguyên tắc thị trường lời ăn lỗ chịu, nếu kinh doanh bị thua lỗ mà nhà nước cứ bỏ tiền ra cứu hay cho phá sản như các DN khác tức là đã phá vỡ kỷ luật này.

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (CNS) được chọn thí điểm tái cấu trúc doanh nghiệp tại TPHCM. Trong ảnh: Công nhân sử dụng máy phay tạo phôi, gia công thiết bị ngành nhựa. Ảnh: Kim Ngân

Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (CNS) được chọn thí điểm tái cấu trúc doanh nghiệp tại TPHCM. Trong ảnh: Công nhân sử dụng máy phay tạo phôi, gia công thiết bị ngành nhựa. Ảnh: Kim Ngân

- Nhưng với tình hình kinh doanh đáng buồn của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa qua mà áp dụng kỷ luật thị trường thực sự thì sẽ có hàng loạt DNNN phá sản, thưa ông?

Phải chấp nhận thôi. Nhưng cũng chưa chắc các DN đó đã phá sản. Trước yêu cầu khắt khe của thị trường tự nhiên các DN này phải cố gắng để cạnh tranh. Và họ đang có nhiều tiềm năng để tận dụng, biến thành lợi thế kinh doanh.

- Một doanh nghiệp tư nhân phá sản thì vị giám đốc có thể phải ra đường. Nhưng với DNNN có làm thế được không? Đâu phải đến bây giờ chuyện Vinalines thua lỗ, nợ nần mới vỡ ra, nhưng ông Dương Chí Dũng vẫn được làm Cục trưởng Cục Hàng hải cho đến khi bị khởi tố và bỏ trốn?

Hãy tạm chưa đề cập đến vụ việc ông Dương Chí Dũng, đó là một vụ việc cụ thể và phức tạp tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ. Nhưng về nguyên tắc, cần có cái nhìn công bằng với lãnh đạo DNNN. Khi đã kinh doanh thì 5 ăn, 5 thua. Nếu như người ta làm việc với vị trí đó mà làm đúng phận sự nhưng bị thua lỗ thì không nên bắt cá nhân vị đó phải chịu. Phải áp dụng đầy đủ nguyên tắc thị trường và có tiêu chí của thị trường để đánh giá kết quả hoạt động của họ. Từ đó mới thấy rằng họ đã làm tối đa trong phận sự hay chưa, để bảo vệ lợi ích chung. Nếu thất bại do khách quan thì không phải chịu. Vì soi xét một cách tiêu cực quá thì không ai dám làm gì táo bạo, đột phá cả. Nhưng nếu do yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, năng lực chuyên môn phải truy cứu nghiêm khắc! Cho nên chúng ta phải thay đổi quan niệm đánh giá về một con người trong cơ chế thị trường.

- Vẫn bàn về DNNN, nội dung nào trong bản đề án này mà ông coi là đột phá?

Đề án này không đi tìm đột phá nào hoàn toàn mới. Có chăng, phải hiểu đột phá là những giải pháp mạnh, có tác động lớn và có tính hệ thống. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi nên đặt lên hàng đầu việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Đó là việc có thể làm ngay được trong năm 2012. Tiếp đó, cần tập trung sửa đổi và nâng cao chất lượng của tất cả hoặc phần lớn các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bất động sản…) và bổ sung một số luật về đầu tư công, quản lý vốn tại các DN theo hướng sửa đổi, nâng cấp những luật này cho “thị trường hơn”; dần dần tháo bỏ những rào cản cho phù hợp với thông lệ, nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế…

Bảo Vân thực hiện

Tin cùng chuyên mục