Sởn da gà

Cũng không phải là mới, giới trẻ ở độ tuổi “trên 10, dưới 18” đã chế ra một thứ ngôn ngữ riêng để trao đổi chat chít trên mạng. Loại ngôn ngữ này toàn ký hiệu và rối rắm đến mức hầu hết người lớn nhìn vô thì bí lù, không biết là cái chi. Nhưng với đám trẻ thì đó lại là chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ, bởi có tác giả (cũng độ tuổi học phổ thông) đã chế tạo ra một từ điển để dịch nghĩa trực tuyến loại ngôn ngữ mạng nói trên.

Dẫn ra chuyện đó, để kêu giùm nhiều phụ huynh rằng coi chừng tiếng Việt lại có thể tơi tả, thậm chí… “thương vong” ở chính xứ ta. Thế hệ “măng” đang cố tình xài một thứ tiếng không nằm trong hệ ngôn ngữ được xếp loại nào và càng ngày càng chế biến theo những cách quái lạ, dị hợm.

Nhưng không chỉ ở trên mạng mới có nguy cơ cho tiếng Việt. Nhiều quyển truyện tranh được ra đời chính thức, với danh nghĩa những nhà xuất bản uy tín, cũng toàn sạn về ngôn ngữ. Gì, chứ kiểu lời thoại cụt lủn và nhuốm màu bạo lực như “Hự”, “Chết này”, “Bụp”… thì nhan nhản ở các ấn phẩm thiếu nhi.

Không chỉ vậy, nhiều truyện cổ tích lại bị chế biến theo những cách rất hỡi ơi. Người biên soạn xào nấu, vặt đầu vặt đuôi, bịa ra những chuyện không có trong nguyên tác. Rồi nhiều truyện khác thì toàn mô tả chuyện “nhạy cảm” của người lớn. Thế nhưng tất cả đều được góp mặt với đời.

Cả ở “chính ngạch” lẫn “tiểu ngạch” đều như thế, cho nên phải sởn da gà.

Tư Quéo

Tin cùng chuyên mục