Hồ chứa nước Rào Trổ có dung tích khoảng 150 - 160 triệu m3 nước. Công trình đã được thi công từ năm 2013, dự kiến cuối 2018 đầu 2019 sẽ tiến hành lấp lạch để tích trữ nước. Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn Phúc Sơn và Phúc Lập (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sống tại khu vực tái định cư vùng Khe Ngốp luôn thấp thỏm lo âu vì nhà cửa quá gần chân đập hồ chứa nước Rào Trổ.
Chỉ tay về phía đập hồ chứa nước Rào Trổ, ông Hoàng Chương (66 tuổi, ở khu tái định cư vùng Khe Ngốp), cho biết: “Đập hồ chứa nước Rào Trổ chỉ cách nhà tôi đang ở hơn 200m, đập cao quá nhà, lại ở quá gần nên nhiều năm nay chúng tôi rất lo lắng, nếu không may xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm, mọi thứ ở đây sẽ bị nước cuốn trôi sạch”.
Theo ông Chương, từ năm 2013, gia đình ông nhận tiền đền bù 500 triệu đồng giải phóng mặt bằng đất đai, tài sản trên đất do ảnh hưởng sạt lở 2 bờ sông Rào Trổ. Ban đầu cứ nghĩ sau đền bù sẽ được di chuyển lên khu vực tái định cư ở bên kia Khe Ngốp, cách xa chỗ ở hiện tại khoảng 2km. Tuy nhiên, sau đó không hiểu sao lại được quy hoạch chuyển về ở khu vực tái định cư này, nằm gần chân đập hồ chứa nước Rào Trổ.
Ông Hoàng Anh Phương (64 tuổi) cho biết, trong thời gian thi công đập và hồ chứa, tình trạng nổ mìn khoan phá đá khiến khu vực này bị ảnh hưởng và đá văng vào làm nhà cửa bị rạn nứt, hư hỏng. Người dân đã phản ánh sự việc, đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, nhưng đến nay mọi việc vẫn tiếp tục tái diễn.
“Người dân ở đây gọi đập hồ Rào Trổ là “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu. Vừa rồi nghe trên đài báo đưa tin vụ vỡ đập thủy điện ở Attapeu (Lào), nên ai cũng cảm thấy lo sợ hơn, mong đập thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu xảy ra sự cố, không chỉ người dân ở vùng gần đập mà các xã vùng dưới đập như: Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Lạc… cũng sẽ bị cuốn trôi hết”, ông Phương lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ngật (Trưởng thôn Phúc Sơn, xã Kỳ Thượng) cho biết, năm 2013 nhiều hộ dân ở thôn Phúc Sơn, Phúc Lập được di dời về ở tại khu tái định cư vùng Khe Ngốp. Nhưng sau này khi nhìn thấy đập hồ chứa nước Rào Trổ đắp cao và ở gần nhà như thế nên người dân xôn xao, lo lắng.
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, thôn Phúc Lập và thôn Phúc Sơn ở khu vực tái định cư vùng Khe Ngốp trước đây có khoảng 50 hộ dân đến đăng ký, nhưng sau đó một số hộ dân đã đi nơi khác theo diện tái định cư tự do. Hiện tại chỉ còn khoảng 38 hộ dân. Ngay từ khi triển khai làm dự án hồ chứa nước Rào Trổ, người dân cũng đã có ý kiến lên UBND xã vì lo lắng nhà ở gần sẽ không đảm bảo an toàn. Xã cũng rất trăn trở về vấn đề này và đã có báo cáo lên cấp trên, sau đó tỉnh có cử sở ban ngành liên quan về hiện trường đo đạc, xác định phạm vi khu vực nhà dân ở gần đập nhất là khoảng 200m và họ có khẳng định là an toàn.
Về việc phản ánh nổ mìn trong quá trình thi công hồ chứa Rào Trổ làm ảnh hưởng đến nhà cửa của dân, theo ông Tiến, hiện đã có hộ dân báo cáo là bị nứt, hư hỏng nhà cửa, xã đã giao công an biên bản sự việc và đề nghị phía dự án phải hỗ trợ đền bù cho người dân, nếu không khắc phục đền bù, hỗ trợ xong thì nhất quyết dân không cho tiếp tục nổ mìn nữa. Đồng thời, xã cũng đã đề nghị phía dự án trước khi tiến hành nổ mìn phải đảm bảo an toàn, cắt cử người đến nhà dân để kiểm tra, nếu như nổ mìn để xảy ra các vấn đề gì thì sẽ lập biên bản xử lý ngay.