Sống thuận thiên ở Cồn Chim

Nằm giữa dòng Cổ Chiên hiền hòa, cù lao Cồn Chim thuộc ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là một trong những nơi hiếm hoi ở ĐBSCL xây dựng thành công mô hình người dân chung sống hòa thuận với thiên nhiên, môi trường trong lành, giữ gìn nét văn hóa vùng quê Nam bộ bình dị và hấp dẫn du khách thập phương… 

Thích ứng với thiên nhiên

Tháng 2, các địa phương ở ĐBSCL bước vào giai đoạn hạn mặn khốc liệt. Nhiều cánh đồng lúa bị khô quéo vì nắng nóng kéo dài. Thế nhưng khi đến Cồn Chim, ai cũng bất ngờ bởi khí hậu mát mẻ lạ thường.

Anh Út Quời (Nguyễn Văn Quời, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim) khoe: “Xung quanh Cồn Chim bây giờ cũng bị nước mặn bao vây, tuy nhiên bà con vẫn chung sống “hòa bình” với mặn. Việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản diễn ra bình thường, chẳng hề hấn gì”. 

Để chứng minh thực tế, anh Út Quời đưa chúng tôi đi một vòng Cồn Chim với khoảng 62ha đất tự nhiên, trong đó 34ha nuôi thủy sản và trồng lúa hữu cơ; diện tích còn lại là đất rừng, bờ, vườn dừa…

Chị Nguyễn Thị Bích Vân chỉ khu đất của gia đình gần 10 công, cho biết: Cù lao Cồn Chim nhỏ hẹp nên từng hộ gia đình có đất canh tác chẳng bao nhiêu. Song, không vì đất ít mà dân Cồn Chim khai thác kiểu “quanh năm, chạy theo số lượng”.

Sống thuận thiên ở Cồn Chim ảnh 1  Du khách quốc tế tham quan Cồn Chim
Ngược lại, chúng tôi thống nhất với nhau sản xuất phải thuận thiên, bền vững, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Hàng năm cứ đến tháng 9 là người dân Cồn Chim bắt đầu gieo sạ lúa, tháng 12 thu hoạch. Trong quá trình canh tác lúa, nông dân không phun thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học; chủ yếu sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra hạt gạo sạch.
Chính vì canh tác theo tự nhiên nên năng suất lúa ở Cồn Chim không cao, chỉ khoảng 5 tấn/ha, thấp hơn so với các vùng khác (7 - 8 tấn/ha); nhưng bù lại hạt gạo làm ra đảm bảo sạch 100% nên bán giá không dưới 25.000 đồng/kg, cao hơn so với nhiều loại gạo khác và số lượng không đủ bán.

Thu hoạch lúa xong là tới mùa hạn, nước mặn kéo về. Dân Cồn Chim mở đập để đón nước mặn vào phục vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua… cũng theo phương pháp quảng canh cải tiến, hoặc nuôi tự nhiên. 

Ông Võ Văn Bé, cư dân tại đây, cho hay trước kia ở Cồn Chim cứ xoay vòng 6 tháng ngọt - 6 tháng mặn mỗi năm. Nhưng gần đây, có khi nước mặn tăng lên 8 tháng/năm, có thể do biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường tác động. Chính vì thế mà bà con luôn cảnh giác đề phòng và quyết tâm đoàn kết sản xuất thuận tự nhiên để không phá vỡ hệ sinh thái. 

Anh Út Quời tính toán, với ngần ấy diện tích, mỗi năm dân Cồn Chim chỉ sản xuất khoảng 150 tấn lúa hữu cơ, 100 tấn tôm các loại, hơn 10 tấn cua biển… Tất cả sản phẩm được thương lái săn lùng mua tận nơi và được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao về chất lượng. Điều này mang đến niềm vui và tự hào cho bà con Cồn Chim. 

Tái hiện bức tranh làng quê Nam bộ

Cùng với sản xuất thuận thiên thì dân Cồn Chim đã và đang nỗ lực tái hiện bức tranh làng quê Nam bộ bình dị, mộc mạc, đáng yêu. Anh Út Quời nhớ lại: Cách nay khoảng 5 năm, một số lãnh đạo huyện Châu Thành về làm việc với ấp Cồn Chim, thấy cảnh thanh bình, tươi đẹp như bức tranh nên nảy sinh ý định xây dựng Cồn Chim thành vùng du lịch nông nghiệp, mang đậm nét làng quê nông thôn Nam bộ. Tôi là lãnh đạo ấp nên tiên phong vận động từng người dân ở đây và được bà con ủng hộ. Ngay lập tức, UBND huyện Châu Thành cùng Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh mời các đơn vị chuyên về du lịch đến Cồn Chim giúp bà con thiết kế lại nhà cửa theo nét xưa Nam bộ, xây dựng các khu đón khách du lịch, khu vui chơi ở nông thôn. Bên cạnh đó, mời chuyên gia từ TPHCM xuống tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, cách ăn nói, tiếp du khách và chế biến các món ăn truyền thống địa phương, dân dã… 

Để không bị trùng lắp và tránh nhàm chán, ngành chức năng họp bàn với người dân Cồn Chim đi đến thống nhất mỗi gia đình làm một sản phẩm khác nhau, không ai trùng ai. Gia đình Bí thư chi bộ Út Quời với mô hình “Bếp xưa Nam bộ”, gồm sản phẩm mứt gừng, uống dừa dứa, nước sâm và tham quan các bếp ăn quê, chén, tô bằng sành… Gia đình cô Ba Sữa (Phạm Thị Sữa) đảm nhận món bánh lá dừa truyền thống được làm từ hạt gạo Một Bụi Trắng ở Cồn Chim.

Chị Phạm Thị Giàu thì chọn làm bánh xèo nhân tép Nam bộ rất giòn ngon để đãi khách du lịch. Còn chú Tư Pha (Nguyễn Văn Pha) với 7 công đất được thiết kế thành nơi câu cua hấp dẫn du khách trong và ngoài nước… 

Khi mỗi nhà chọn xong một sản phẩm, đúng 9 giờ ngày 9-9-2019, Khu du lịch nông nghiệp Cồn Chim chính thức đưa vào hoạt động. Từ đó đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 du khách các nơi về Cồn Chim thả mình vào thiên nhiên trong lành, thưởng thức các sản vật miệt đồng ngon và sạch, cùng nhiều loại bánh dân gian Nam bộ. 

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận xét, trong điều kiện mà nhiều nơi ở ĐBSCL bị tổn thương do thời tiết ngày càng cực đoan và tác động của biến đổi khí hậu, thì Cồn Chim dù hàng năm vẫn bị xâm mặn nhưng mọi sinh hoạt và sản xuất diễn ra bình thường. Đơn giản một điều là bà con đoàn kết, chung tay bảo vệ môi trường, cứ mùa nào việc nấy; ngọt trồng lúa - mặn nuôi thủy sản… không đi ngược với quy luật tự nhiên.

Giờ đây, Cồn Chim mở thêm du lịch nông nghiệp, đưa du khách về với thiên nhiên, về với nét xưa Nam bộ thân thương. Một hướng đi đầy hứa hẹn, đúng tinh thần Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về ĐBSCL sống thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu… 

Gần 6 năm qua, Tổ chức Oxfam và người dân Cồn Chim thống nhất quy ước là không khai thác rừng, không tỉa thưa rừng ở hai bên sông Cồn Chim khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng; không dùng lưới có kích thước nhỏ hơn quy định, không khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản; không dùng kích điện, hóa chất độc hại, chất nổ khai thác thủy sản tự nhiên trên sông Cồn Chim; không đăng mé, không đóng đáy mùng, không sử dụng lưới ba màng và các hình thức cào để khai thác thủy sản tự nhiên trên sông Cồn Chim; không đặt các loại đú có kích thước lưới nhỏ hơn 1,8cm; không xả nước thải, chất thải nuôi tôm chưa xử lý ra sông Cồn Chim… 

Tin cùng chuyên mục