Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM vừa công bố kết quả kiểm tra phương tiện đo trong lĩnh vực y tế. Các số liệu từ cuộc kiểm tra tại 37 bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) quận huyện trên địa bàn TPHCM cho biết, hơn 87% phương tiện đo y tế tại đây không được kiểm định. Theo luật, đó là vi phạm.
Theo đoàn kiểm tra, nhiều BV, TTYT có tỷ lệ phương tiện đo không kiểm định là 100%. Tức là, các bác sĩ ở đây cho rằng nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy chụp X-quang, điện tâm đồ… của họ mua về là đúng rồi, kiểm định chi cho mệt! Phải vậy không? Một số liệu khác từ đơn vị dịch vụ kiểm định của chi cục này cho biết, nhiều thiết bị đo trong y tế được kiểm định tại đây có sai số vượt mức cho phép, tỉ lệ này ở nhiệt kế là 17%, áp kế là 15%, máy chụp X-quang là 2%... Với tỉ lệ sai số này, người ta có quyền nghĩ đến chuyện một bệnh nhân bị sốt cao mà nhiệt kế y tế chỉ đo được 37 độ C!
Chuyện cân sai, đo sai, đối với người Việt Nam thì cũng chẳng có gì là xa lạ. khó có ai tin rằng 2 chiếc taxi chạy cùng một quãng đường luôn có taximetter đo được khoảng cách giống nhau… Riết rồi bây giờ, các BV cũng “chơi” kiểu taximetter, xét nghiệm y khoa cũng thường có những kết quả khác nhau.
Nhưng, chuyện cân, đo sai là… bình thường ở các chợ, theo thời gian, “tiến dần đều” vào BV như kết quả của cuộc kiểm tra nói trên cho thấy, rõ ràng lại không thể bỏ qua được nữa. Người ta có thể chấp nhận mua một cân thịt chỉ nặng 9 lạng, nhưng người ta không thể chấp nhận đi xét nghiệm mà một BV nói mình bị sỏi mật phải mổ, BV kia lại nói rằng không. Ăn thiếu một lạng thịt cũng không quan trọng lắm, chứ xét nghiệm y khoa, chẩn đoán bệnh tình là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ngay cả khi thiết bị đo đã đúng chuẩn, vì những yêu cầu chuyên môn, chưa chắc người đo đã có thể kết luận chính xác, nữa là máy sai!
Theo luật, các BV, TTYT hay rộng hơn là cả các phòng khám tư nhân phải kiểm định thiết bị đo của họ để có thể cho kết quả chính xác nhất đối với bệnh nhân. Trong thời đại hiện nay, các đơn vị phải ý thức được rằng có những phương tiện đo chính xác, trước tiên là để họ có thể phục vụ tốt cho bệnh nhân, khẳng định uy tín BV, bảo vệ lương tâm người thầy thuốc. Nếu một BV, một cơ sở y tế nào bị thông báo rằng các thiết bị đo lường, chẩn đoán của họ chưa được kiểm định, không biết rằng đo đúng hay đo sai, thì bệnh nhân nào dám vào đó để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh tình nữa?
Đối với sức khỏe con người, sai một ly, đi một dặm, xét nghiệm, chuẩn đoán ở mức chính xác nhất không chỉ là uy tín của BV, mà còn là lương tâm, y đức của bác sĩ với bệnh nhân, là trách nhiệm của con người với con người!
MINH TÚ