(SGGPO).- Đó là nhận định được TS Đỗ Thiên Kính (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa ra trong báo cáo của ông có tên gọi “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam trong 20 năm đổi mới”, công bố ngày 2-12. Dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 1992/93 - 2012. Khái niệm “mức sống” ở đây được đo lường qua các chỉ báo: thu nhập, chi tiêu ngoài ăn uống và giá trị tài sản nơi ở chính.
Theo đó, đối chiếu với tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, phân bổ thu nhập trong dân cư Việt Nam ở mức bất bình đẳng vừa từ năm 2008 - 2012 và đang có xu hướng tăng dần mức bất bình đẳng. “Sự phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân thành hai cực giàu nghèo rõ rệt”, TS Kính cho hay.
Trong khi số hộ giàu (20% dân số) đang chiếm 54,4% tổng thu nhập toàn quốc thì 3 nhóm giữa (60% dân số) chiếm 40,9% và hộ nghèo (20% dân số còn lại) chỉ chiếm 4,7%. Nhìn tổng thể, mức độ bất bình đẳng về chi tiêu ngoài ăn uống cao hơn so với bất bình đẳng về thu nhập, sự phân bổ của giá trị tài sản chỗ ở chính là cao nhất so với cả phân bổ về thu nhập và chi tiêu ngoài ăn uống.
Vẫn theo TS Đỗ Thiên Kính, nếu thể hiện bằng biểu đồ, hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam có hình kim tự tháp với tầng lớp cao (phần chóp) theo thứ tự từ trên xuống bao gồm lãnh đạo, quản lý; doanh nhân và chuyên gia có chuyên môn cao. Tầng lớp giữa gồm nhân viên, công nhân, buôn bán dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Tầng lớp thấp bao gồm lao động giản đơn và nông dân.
Muốn giảm bất bình đẳng và phân cực giàu nghèo thì phải thay đổi hình dạng hệ thống phân tầng xã hội, chuyển sang mô hình “quả trám” với tầng lớp trung lưu đông đảo nhất ở giữa. Đây cũng chính là xu hướng biến đổi xã hội ở các nước trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa; đảm bảo cho sự phát triển ổn định, hài hòa và bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại.
“Hàm ý chính sách ở đây không mới, đó là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách phát triển kinh tế tư nhân với thành phần dân doanh đóng vai trò chủ đạo; tạo điều kiện cho sự tích tụ ruộng đất và thúc đẩy sự dịch chuyển tầng lớp nông dân vươn lên địa vị kinh tế - xã hội cao hơn. Nhưng điểm mới là ở chỗ khuyến nghị này được đưa ra trên cơ sở tiếp cận xã hội học. Cùng với cách tiếp cận kinh tế học, nó xem xét hiện thực từ cả hai phương diện: kinh tế và xã hội”, ông Đỗ Thiên Kính nhấn mạnh.
ANH PHƯƠNG