
Hai đạo diễn đoạt giải Cánh Diều 2014
Được vinh danh trong hạng mục Cánh diều Vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất và Cánh diều Bạc cho phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất (không có Cánh diều Vàng) đạo diễn Cường Ngô (phim Hương ga) và NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt (phim Những đứa con của làng) đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Báo SGGP quanh giải thưởng này.
Đạo diễn Cường Ngô: Tôi đã có một năm rất may mắn

* PV: Cảm xúc của anh khi nghe tên mình được xướng lên trong hạng mục quan trọng - Đạo diễn xuất sắc nhất của giải Cánh Diều 2014?
* Đạo diễn CƯỜNG NGÔ: Khi nghe đọc tên Ngô Quốc Cường, tôi không nghĩ người ấy là mình...! Tôi hết sức bất ngờ và thấy mình thật sự rất may mắn, bởi vì theo tôi, tất cả các đạo diễn có mặt trong giải Cánh Diều 2014 đều xuất sắc, đều giỏi và mình chỉ là người may mắn hơn nên đoạt giải. Năm 2014 với tôi là một năm hết sức may mắn khi có hai bộ phim ra rạp là Hương ga và Ngày nảy ngày nay. Được nhà sản xuất, nhà đầu tư tin cậy giao cho phim để làm đã là một may mắn, phim được công chiếu là một may mắn nữa, bây giờ bộ phim Hương ga và cá nhân tôi tiếp tục nhận được giải thưởng Cánh Diều, là quá may mắn.
* Giải thưởng Cánh Diều với anh mang ý nghĩa thế nào?
* Tôi cảm thấy rất vinh dự vì tôi nghĩ giải Cánh Diều cũng giống như giải Oscar của Việt Nam. Tôi muốn dành vinh dự này cho cả ê kíp đoàn phim Hương ga của tôi. Họ đã cùng tôi rong ruổi lên rừng, xuống biển, ra Bắc vào Nam, quay ngày quay đêm khá vất vả, nhưng anh chị em ai ai cũng hết lòng vì bộ phim. Họ là những người góp sức cho thành công của tôi ngày hôm nay và vì thế tôi muốn dành vinh dự này cho họ, như là một lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Giải thưởng này thật sự rất có giá trị và ý nghĩa với tôi. Nhưng tôi vẫn nghĩ, quan trọng hơn cả vẫn là khán giả. Khán giả thích phim của mình, yêu bộ phim của mình đến độ có thể xem đi xem lại nhiều lần, đó quả là một giải thưởng lớn cho mình.
* Sau Hương ga, Ngày nảy ngày nay, sắp tới anh có tiếp tục thực hiện bộ phim mới nào tại Việt Nam không?
* Tôi đang làm một chương trình của Việt Nam nhưng quay hoàn toàn tại Thái Lan, dài 14 tập, có tên gọi Điệp vụ tuyệt mật, do Công ty Cát Tiên Sa và VTV hợp tác sản xuất. Nó giống như một phim truyền hình dài tập vậy. Mọi thông tin về chương trình này, hiện chưa được phép công bố rộng rãi. Đến tháng 7, tôi sẽ làm một phim điện ảnh thể loại tâm lý - hành động pha hài, cũng vẫn làm cho nhà sản xuất Media Village - nhà đồng sản xuất bộ phim Hương ga. Đây là bộ phim dành cho tuổi teen nên câu chuyện cũng trẻ trung. Tôi muốn đem đến cho khán giả cái mới và không muốn lặp lại.
NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt: Phim nhà nước đặt hàng nhưng dễ xem

* PV: Anh có thể cho biết, bộ phim Những đứa con của làng có kinh phí bao nhiêu và thời gian làm phim mất bao lâu?
* NSƯT, đạo diễn NGUYỄN ĐỨC VIỆT: Phim được Nhà nước đầu tư 6 tỷ đồng, được chuẩn bị trong gần 1 năm và quay tại Quảng Trị trong vòng 1 tháng.
* Theo anh, làm phim đề tài chiến tranh cách mạng khó hơn hay làm phim hiện đại khó hơn?
* Tôi thấy làm phim chiến tranh hay hòa bình cũng không khác nhau bao nhiêu. Cái khó của làm phim nói chung, là việc thể hiện sao cho chân thực nhất, thuyết phục nhất và tạo được cảm xúc cho người xem nhất.
* Điều gì hấp dẫn để anh nhận lời làm đạo diễn phim Những đứa con của làng?
* Kịch bản của Những đứa con của làng có ý tưởng rất mạnh và thoại rất đời. Tôi thích thoại của anh Phạm Dũng (tác giả kịch bản) và ý tưởng hòa hợp dân tộc trong bộ phim này. Vì vậy, tôi đồng ý với mọi người, phim Những đứa con của làng có đề tài cũ, nhưng ý tưởng của nó thì lại mới, mà hầu như phim Việt rất ít đề cập đến ý tưởng này. Cái ý nghĩa vượt qua hận thù, dùng lòng nhân ái, vị tha để xóa bỏ hận thù của bộ phim đã cuốn hút tôi ngay khi tôi đọc kịch bản.
* Việc chọn diễn viên vào các vai trong phim rất phù hợp, các diễn viên đều thể hiện rất tốt, rất thuyết phục. Anh đã chọn diễn viên cho phim như thế nào?
* Quan điểm của tôi là chọn diễn viên nào thích nhất nhân vật của họ và sau đó là họ thật sự phù hợp với vai diễn. Tôi đưa kịch bản phân cảnh cho tất cả những diễn viên mà mình nhắm cho vai diễn, để họ đọc, sau đó tôi chọn lấy người thích kịch bản và nhân vật ấy nhất. Họ có thích thật sự thì mới dám bỏ mọi công việc, show diễn để lăn lộn cùng đoàn phim cả tháng tại vùng đất Quảng Trị khắc nghiệt vì nắng, nóng. Các diễn viên Trung Anh, Huy Cường, Thúy Hằng, Trần Bảo Sơn đều bỏ nhiều show diễn, vai diễn ở thành phố để lên vùng rừng núi cùng tôi làm Những đứa con của làng. Điều đó đã làm nên sự thành công cho vai diễn rồi.
* Anh có tin khi phim trình chiếu ra rạp sẽ được khán giả - nhất là khán giả trẻ ủng hộ? Kể cả sau khi bộ phim nhận được giải thưởng Cánh Diều Bạc?
* Khi làm phim này, chúng tôi đã xác định Những đứa con của làng không phải dành cho đại chúng. Nếu sau khi phim đoạt giải Cánh Diều Bạc, khán giả đón nhận nhiều hơn, lớp trẻ đến với phim nhiều hơn thì đó là ước mơ của chúng tôi rồi. Phim nhà nước làm theo đơn đặt hàng, thường có đề tài cách mạng, chính trị... mà lâu nay vẫn bị mặc định rằng phim sẽ khô khan, khó đến được với giới trẻ. Tuy nhiên, vì muốn hướng đến khán giả trẻ, nên tôi chủ ý chọn cách làm dễ xem hơn và tôi tin phim này dễ xem, vì tôi còn trẻ mà (cười).
NHƯ HOA